(VOV5) - Quan tâm, chăm sóc sức khỏe, dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các nạn nhân của chiến tranh luôn là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong suốt hơn 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ và các nước đồng minh đã phun rải hơn 80 triệu lít chất độc diệt cỏ có chứa chất cực độc dioxin xuống các thôn làng, đồng ruộng và rừng cây ở miền Nam Việt Nam với tổng diện tích hơn 2,6 triệu ha.
Các tình nguyện viên tham gia một chiến dịch đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: An Hiếu/ TTXVN |
Đến nay, sau hơn 60 năm, sự hủy diệt tàn khốc của những chất độc ấy vẫn còn hiển hiện, âm thầm phá hoại môi trường sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều thế hệ nạn nhân da cam. Chất độc da cam/dioxin đã khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3 thậm chí là thứ 4 của họ tiếp tục phải chịu những đau thương, mất mát ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa. Nỗi đau da cam dai dẳng qua nhiều thế hệ chính là minh chứng rõ nét nhất về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh đã để lại.
Kon Tum là tỉnh đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc hóa học da cam/ dioxin. Tại đây, hiện có khoảng 8.000 người nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, gần 900 người đang hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam, gần 550 người là thế hệ thứ hai, thứ ba bị ảnh hưởng và có dị tật bẩm sinh.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cùng Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) trao tặng 10 xe lăn cho 10 nạn nhân của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội sáng 22/7/2022. Ảnh: Nguyễn Hà/ VOV |
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình, ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cho biết sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền, các Hội và Đoàn thể các cấp đã giúp những người bị nhiễm chất độc da cam như ông xoa dịu được nỗi đau để vươn lên trong cuộc sống. "Chính sách Nhà nước hỗ trợ đối với người có công, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học rất là nhiều. Ưu đãi về giáo dục, về đất ở, cải thiện đời sống rồi nhà ở. Các chính sách Bảo hiểm y tế, rồi trợ cấp hàng tháng, rất nhiều chính sách thì rất hiệu quả. Tôi có 3 đứa con, các cháu đi học được Nhà nước ưu tiên, miễn giảm, hỗ trợ rất lớn cho các cháu trưởng thành".
Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải chịu đựng, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành ngân sách để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng xông hơi tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Đồng hành với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các hoạt động tri ân, động viên, giúp đỡ người nhiễm chất độc da cam/dioxin còn có sự tham gia của nhiều đoàn thể, tổ chức thiện nguyện trên khắp cả nước. Ông Huỳnh Thanh Quang, Tổng Giám đốc Công ty kiến trúc xây dựng Quang ARMy, một trong những đơn vị tích cực với công tác chăm sóc, hỗ trợ các gia đình nạn nhân da cam, cho biết đơn vị đã trao hàng ngàn suất quà, trợ dưỡng thường xuyên cho 20 cháu nhỏ là nạn nhân da cam."Giúp đỡ cho những nạn nhân da cam để họ có thể hoà đồng, giúp họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hỗ trợ, trao tặng quà cho các cháu, hỗ trợ nhà tình nghĩa. Tổng giá trị không đáng bao nhiêu, nhưng trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” giúp cho các nạn nhân chất độc da cam có một cuộc sống hoà nhập".
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà hơn hết thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với đất nước và thân nhân của họ, nêu cao truyền thống "Thương người như thể thương thân". Sự hỗ trợ và động viên kịp thời từ Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền cũng như của toàn đã hội đã góp phần truyền thêm nghị lực để các nạn nhân da cam tiếp tục chiến đấu, chống lại nỗi đau dai dẳng mà chiến tranh để lại.