Chuyện kể về những hải trình cảm tử và nắm đất nghĩa tình quê hương

(VOV5) - Mỗi chuyến ra đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách. Ra đi là xác định hy sinh.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, các chuyến tàu Không Số mang theo quân nhu, đạn dược và cả nghĩa tình của hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Mỗi chuyến ra đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với mọi khó khăn, thử thách. Ra đi là xác định hy sinh.

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ những nhân chứng lịch sử để nghe kể lại những hành trình cảm tử làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

  Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
 Tròn 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, vị Thuyền trưởng- người từng nắm giữ sinh mệnh của con tàu và thủy thủ trong suốt những năm tháng trên những hải trình cảm tử trở lại Vũng Rô. Cùng với ông trở về di tích để thắp nén hương cho đồng đội là bà Nguyễn Thị Tảng, cô giao liên trung đội nữ năm xưa làm nhiệm vụ tải đạn ở bến Vũng Rô. Ông Hồ Đắc Thạnh là người đầu tiên mở đường, điều khiển con tàu C41 cập bến Vũng Rô thắng lợi vào ngày 28/11/1964.
Chuyện kể về những hải trình cảm tử và nắm đất nghĩa tình quê hương - ảnh 1Trung tá- Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh ôn lại ký ức hào hùng tại Di tích bến Vũng Rô

Ông Thạnh bùi ngùi nhớ về đồng đội gắn bó với mình trong những năm tháng chiến đấu gian khổ:  “Tôi rất vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ là chiếc tàu sắt đầu tiên vào bến Vũng Rô để chi viện vũ khí cho 3 tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Đắc Lắc. Mỗi lần về đây, tôi đều bồi hồi xúc động nghĩ đến những năm tháng, những đồng chí đã từng kề vai sát cánh với mình đã chiến đấu hy sinh ở đây”

Ngày ấy, để vận chuyển những chuyến hàng hóa, vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển, những con tàu đều phải chọn xuất bến khi thời tiết xấu, thậm chí phải chờ khi giông bão mới ra khơi để đảm bảo bí mật. Mỗi chuyến đi, những cán bộ và thủy thủ tàu phải cân não từng giờ, từng phút để tìm cách ngụy trang bảo vệ tàu, tránh sự truy đuổi, vây ráp của tàu địch.

Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ như in hành trình mà ông cùng đồng đội vượt biển khơi trên những con tàu Không Số. Chưa đầy hai tháng, từ tháng 11/1964 đến đầu tháng 2/1965, con tàu HQ671 (phiên hiệu C41) do ông trực tiếp chỉ huy đã liên tiếp 3 lần cập bến Vũng Rô thành công vào các ngày 28/11/1964, 25/12/1964 và ngày 01/2/1965, chi viện hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược cho chiến trường Khu V và Tây Nguyên. Ba lần cập bến thành công, ba lần đối mặt với hiểm nguy, sống- chết. Giữa lằn ranh mong manh ấy, tinh thần mưu trí dũng cảm đã giúp cán bộ, chiến sỹ tàu Không Số vượt qua được sự vây ráp của kẻ thù.

Chuyện kể về những hải trình cảm tử và nắm đất nghĩa tình quê hương - ảnh 2Kể chuyện thời oanh liệt năm xưa với với thế hệ trẻ Phú Yên

Trung tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh kể lại:“Chạy đến gần tàu 41 chúng tôi thì nó dừng trở lại và nó đi song song. Tất cả pháo trên tàu của địch đều mở bạt, chĩa nòng súng về tàu tôi hết cả. Có thể nói là cuộc chiến đấu sẵn sàng nếu đich phát hiện tàu tôi là tàu ở miền Bắc đi vào. Do đó công tác nguỵ trang làm rất kỹ dưới dạng tàu đánh cá. Mặc dù mình chuẩn bị rất kỹ B40, B41 và lựu đạn chống tăng sẵn sàng, khi địch cập mạn đến thì mình có thể lao ra và đánh nhau. Căng thẳng vô cùng như sợi dây đàn, chiến đấu và không chiến đấu trong gang tấc, thì vẫn bình tĩnh xử lý đúng tình huống như thế. Sau 1 tiếng đồng hồ theo dõi, kèm cặp, thấy không có điều gì phát hiện ở tàu này thì chúng bỏ đi. Đó có thể nói thời khắc ngàn cân treo sợi tóc, giữa cái chết và cái sống.”

Vận chuyển vũ khí trên biển đã gian nan, vào bến an toàn lại là cuộc đấu trí cân não, bởi bến Vũng Rô nằm ngay trong lòng địch. Các hướng đều trong tầm kiểm soát của địch. Chưa kể thời ấy, những con tàu hết sức thô sơ, không có số hiệu, không có trang thiết bị dẫn đường. Nhưng bằng tất cả sự hiểu biết đã được đào tạo, huấn luyện cộng với những kinh nghiệm đi biển dạn dày từ dân gian, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã đưa tàu cập bến Vũng Rô an toàn.

Trong 3 chuyến cập bến Vũng Rô, với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, có lẽ chuyến đi thứ 3 để lại kỷ niệm sâu sắc nhất. Năm ấy, chuyến tàu thứ 3 cập bến Vũng Rô đúng vào đêm 30 Tết, chuẩn bị đón năm mới. Ông Thạnh vẫn còn nhớ không khí đón Tết giữa bến với thuyền đêm ấy cùng những món quà và cả lời trao gửi của quê hương Phú Yên với tiền tuyến lớn miền Bắc qua kỷ vật nắm đất quê hương mang nặng nghĩa tình. Trong đêm giao thừa năm ấy, chính cô giao liên Nguyễn Thị Tảng, thuộc Trung đội nữ phục vụ bến Vũng Rô được vinh dự lên tàu đón Tết cùng cán bộ, chiến sỹ của tàu. Và trước khi tàu rời bến trở lại miền Bắc, cô đã gửi món quà là nắm đất quê hương cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cùng các cán bộ, chiến sỹ với tất cả tấm lòng yêu thương.

Chuyện kể về những hải trình cảm tử và nắm đất nghĩa tình quê hương - ảnh 3Trung tá Thuyền trưởng tàu không số Hồ Đắc Thạnh

 Bà Nguyễn Thị Tảng nhớ lại:Bây giờ mình quần đánh với địch suốt ngày đêm cũng đất. Rồi mình có hy sinh cũng đất. Tôi nói với chú Thạnh là nhân dân của tỉnh mình kiên trung bất khuất, tuy ăn củ sắn nhưng địch đến đâu thì đánh đến đó, do đó tôi nghĩ rằng nắm đất này là nắm đất quê hương, nắm đất bằng xương bằng máu.”

Còn thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đến bây giờ vẫn nhớ như in cảm xúc khi được cầm trong tay nắm đất quê hương với lời nhắn nhủ của cô giao liên trong đêm giao thừa năm ấy.

“Khi cầm nắm đất của cô Tảng giao cho tôi vô cùng xúc động. Vì mình đi rất nhiều chuyến rồi nhưng chưa bao giờ có cái gì ấn tượng sâu sắc trong người mình, nhất là mảnh đất này, nói như cô Tảng sống cũng đất, chiến đấu cũng đất, mà chết cũng về đất, gửi nắm đất đó vô cùng ý nghĩa.”

60 năm trôi qua, cô giao liên Nguyễn Thị Tảng 16, 17 tuổi năm nào, giờ là bà nội, bà ngoại, song ký ức ở Vũng Rô vẫn luôn trong tâm trí của bà như mới vừa hôm qua… Nắm đất Vũng Rô thiêng liêng ấy đã đi theo người Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh suốt hải trình trên con tàu Không Số. Sau 40 năm gắn bó với người Thuyền trưởng làm nên kỳ tích Vũng Rô, hiện nắm đất ấy đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hải Quân, còn hình ảnh cảm động của cô dân quân trao kỷ vật quê hương cho vị thuyền trưởng sau này được tái hiện bằng tượng đồng đặt tại Nhà Truyền thống Lữ đoàn 125 Anh hùng.

60 năm, những con tàu Không số làm nên kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển đã khắc ghi dấu son vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Về Vũng Rô hôm nay, sóng vẫn rì rầm kể câu chuyện về những người viết nên huyền thoại với những hải trình quyết tử. Những anh hùng liệt sĩ cùng con tàu cảm tử đã hy sinh, nằm lại giữa biển khơi 60 năm về trước, nhưng hình ảnh của các anh đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác