Chuyện về những bác sỹ quân y ở huyện đảo Trường Sa

(VOV5) - Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, những bác sỹ, y tá quân y ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, song hành cùng hai nhiệm vụ là chăm lo sức khỏe, khám, chữa bệnh cho quân dân trên các đảo và cấp cứu, chữa trị cho các ngư dân bị nạn khi đang đánh bắt hải sản trên biển.

Chuyện về những bác sỹ quân y ở huyện đảo Trường Sa - ảnh 1
Đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh xá Nam Yết nhận bằng khen của quân chủng Hải quân về thành tính xuất sắc trong năm 2016


 Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Bệnh xá đảo Nam Yết những ngày đầu năm 2017, nhận được thông tin ngư dân Phạm Hòa đang làm việc trên tàu cá QNG 90927-TS gặp tai nạn, ngay lập tức Trưởng bệnh xá đảo Nam Yết cùng các cán bộ chiến sĩ dùng xuồng ra tận nơi sơ cứu, chuyển bệnh nhân vào đảo để tiến hành phẫu thuật và chữa trị. Anh Phạm Hòa cho biết đang thu lưới đánh cá, do sơ xuất nên bị cá chình cắn với vết thương khá nặng. Theo chẩn đoán anh bị đứt gân giãn ngón cái, đứt bó mạch thần kinh quay, đứt nhiều mạch máu, cần phải được phẫu thuật ngay. Anh Phạm Hòa cho biết: Thật may mắn đã nhận được sự chăm sóc kịp thời của các bác sỹ, y tá trên đảo Nam Yết: “Hiện nay tôi thấy đỡ, vào bệnh xá được các bác sĩ chu đáo, kỹ càng, nên không lo lắng nữa. Đội ngũ bác sĩ  rất chu đáo, tôi rất rất an tâm. Lâu nay đi biển, ngư dân bị thương là vào đảo và được các bác sĩ giúp đỡ. Tình cảm của các bác sĩ ở đảo Trường Sa và Nam Yết như vậy tôi rất xúc động. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các bác sỹ, y tá luôn lo lắng cho người dân đánh bắt ở đảo Trường Sa, khi gặp nạn đều ra tận tàu đón, cấp cứu”.

 

Chuyện về những bác sỹ quân y ở huyện đảo Trường Sa - ảnh 2
Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết, thăm khám cho bệnh nhân Phạm Hòa.


Sau gần 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật cho ngư dân Phạm Hòa mới thực hiện xong. Bước ra từ phòng phẫu thuật, Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh, Bệnh xá trưởng đảo Nam Yết, vui mừng thông báo ca phẫu thuật thành công. Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh chia sẻ: Nhiều bà con ngư dân khi ra biển đánh bắt nếu bị thương thường ở phần mềm thường chỉ sơ cứu qua rồi lại tiếp tục làm việc nên vết thương có thể bị sưng tấy, nhiễm trùng như trường hợp của anh Phạm Hòa. Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh cho biết: “Ở đây chúng tôi được trang bị dụng cụ để mổ từ những ca tiểu phẩu đến những ca đại phẫu như kết xương đùi như phẫu thuật ổ bụng, lồng ngực đều có đủ hết. Trang thiết bị y tế luôn đảm bảo. Về chuyên môn, bệnh xá có 1 bác sỹ ngoại, 1 bác sĩ nội, và các điều dưỡng ở các ngành khác nhau. Chúng tôi được trang bị kiến thức khá đầy đủ, trước đây chúng tôi là bác sĩ đa khoa ngày học đại học, ra trường mới về chuyên khoa, trước khi ra đây chúng tôi học từ 6 tháng  đến 1 năm để xử lý các tình huống nên chúng tôi khá tự tin với các trường hợp này”.

 

Xã đảo Song Tử Tây nằm cụm đảo phía Bắc quần đảo Trường Sa, nơi đây có âu tàu và khu hậu cần nghề cá hỗ trợ cho tàu cá đánh bắt hải sản ở ngư trường Trường Sa. Bệnh xá Song Tử Tây được đầu tư xây dựng khá đồng bộ và hiện đại, với đầy đủ các phòng khám nội, ngoại khoa và hệ thống máy siêu âm. Trong năm 2016 vừa qua, bệnh xá khám và chữa bệnh cho hơn 1.300 lượt người. Y sỹ Hoàng Chí Trung, Bệnh xá đảo Song Tử Tây, cho biết: Trải qua 4 tháng công tác ở đảo, anh nhớ nhất một ca cấp cứu cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động mà cả đội ngũ bác sỹ, y tá thay phiên nhau thức suốt đêm để cứu chữa, chăm sóc: “Ca bệnh này nếu ở trong đất liền có thể dùng mày thở cấp cứu cho bệnh nhân một cách nhanh chóng nhưng ở bệnh xá thì chúng tôi phải thay phiên nhau bóp bóng thở để bệnh nhân có đủ dưỡng khí cả đêm. Bệnh nhân gặp tai nạn rất nặng, không thở được, cấp cứu trong đêm… đến gần trưa thì trực thăng mới ra đến nơi để đưa bệnh nhân về đất liền chữa trị”.

 

Chuyện về những bác sỹ quân y ở huyện đảo Trường Sa - ảnh 3
Bác sỹ Đặng Đình Dũng, Bệnh xá trưởng đảo Song tử Tây, đang khám cho một ngư dân bị tai nạn trên biển.


Bác sỹ Đặng Đình Dũng, Bệnh xá trưởng bệnh xá Song Tử Tây, cho biết: Công việc hàng ngày ở đảo khác hẳn trong đất liền, các bác sỹ, y tá phải thực hiện khám chữa cho nhiều ca bệnh khác nhau từ ốm, sốt, chấn thương hay đau ruột thừa. Tuy vất vả nhưng Bác sỹ Đặng Đình Dũng chia sẻ cũng từ các ca cấp cứu, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ y bác sỹ ở đơn vị được nâng cao đáng kể: “Ra công tác tại đảo, chúng tôi đều quyết tâm, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác tại đảo, xa gia đình, anh em đều có con nhỏ nên nhiều lúc rất nhớ đất liền, gia đình nhưng sống ở đảo tình cảm anh em động viên nhau để cùng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

 

Những năm qua, với sự quan tâm của Nhà nước, các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa được xây dựng khang trang, đầy đủ. Cùng với nguồn nhân lực là các bác sỹ, y tá giỏi từ đất liền, các bệnh xá hàng năm khám, chữa bệnh cho hàng nghìn lượt bệnh nhân, trong đó có rất nhiều ngư dân đang khai thác trên ngư trường Trường Sa. Với trách nhiệm và kiến thức chuyên môn của mình, những người thầy thuốc mặc áo lính ở huyện đảo Trường Sa vẫn từng ngày, từng giờ đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các ngư dân vững tâm công tác trên đảo, bám biển, bám ngư trường, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Phản hồi

Các tin/bài khác