(VOV5) - Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.
Quảng cảnh hội thảo - Ảnh: Vân Anh/VOV
|
Chiều 11/12, tại Hà Nội diễn ra hội thảo đánh giá giữa kỳ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh Việt Nam tại khu vực phía bắc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu.
Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành, địa phương, cùng chủ động triển khai, áp dụng vào thực tiễn. Đến nay chỉ có 32 tỉnh, thành phố và 8 bộ, ngành xây dựng ban hành kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực miền bắc có tiềm năng lớn trong tăng trưởng xanh. Tuy nhiên để có thể tận dụng được các tiềm năng này, cần xây dựng các chính sách, hướng dẫn cụ thể để đa dạng hóa phương thức hợp tác công tư, từ đó đưa mục tiêu tăng trưởng xanh vào từng dự án cụ thể.
Ông Lê Đức Chung, chuyên gia kỹ thuật Dự án tăng cường đổi mới thể chế, chính sách, thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam, cho biết: “Chúng ta có quá nhiều ưu tiên cần phải giải quyết như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, sinh kế, tạo công ăn việc làm. Muốn làm theo định hướng tăng trưởng xanh thì một điều rõ ràng là tất cả hoạt động này cần lồng ghép. Có như vậy mới tránh được việc phí thời gian, nguồn lực, gây tắc nghẽn, cản trở và tạo được hiệu quả rõ rệt. Việc xây dựng lồng ghép này trên 3 trụ cột giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững”.
Quá trình tái cơ cấu kinh tế theo Tăng trưởng xanh đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực liên quan đến điều chỉnh các nguồn lực, đất đai, quy hoạch, nguồn vốn đầu tư của địa phương. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư cho tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn (khoảng 30 tỷ đô la Mỹ) tính đến năm 2020.