(VOV5) - Vùng ĐBSCL cần tiếp tục chủ động đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch nhằm thu hút khách; trong đó đầu tư cơ sở vật chất, mở ra các tour, tuyến mới,.
Trong bối cảnh dịch covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, nhất là hoạt kinh doanh du lịch, nhiều cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có những nỗ lực, khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới để giữ chân du khách và từng bước ổn định ngành kinh tế quan trọng này .
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên truyền thông và Du lịch C2T là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch của tỉnh Bến Tre đã có hướng đi mới trong hoạt động để giữ chân du khách thời gian dịch covid-19. Ngoài các tour, tuyến truyền thống, công ty C2T đưa khách tham quan, nghỉ mát về các vùng nông thôn; trải nghiệm với cuộc sống, sinh hoạt của nhà vườn và món ăn dân dã tại địa phương.
Du lịch sông nước thế mạnh của vùng ĐBSCL |
Gần đây, doanh nghiệp này còn có mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch “ biến đổi khí hậu” rất mới lạ, tạo sự hiếu kỳ cho du khách. Đó là việc mở các tuyến du lịch cho du khách tham quan các khu rừng sinh thái ven biển, bờ biển, cửa sông, các mô hình mưu sinh trên sông nước; gắn kết với nhà vườn bán các sản phẩm nông sản cho khách tham quan. Nhờ vậy, những tháng qua dù dịch covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công ty C2T vẫn thường xuyên có khách.
Mô hình tham quan sông nước về đêm |
Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty C2T cho biết, kinh nghiệm để thu hút khách du lịch là phải nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là tìm ra các sản phẩm mới cho khách hàng: “Hậu covid-19 người ta sẽ hướng về nông thôn nhiều hơn, người ta đi theo kiểu gia đình và nhỏ lẻ thì du lịch nông nghiệp là cơ hội và xu hướng phát triển trong tương lai. Thật sự phải thay đổi sản phẩm liên tục, và biết cách truyền thông những khách hàng cũ cho những sản phẩm mới ; đồng thời mỗi đơn vị du lịch như vậy chúng ta thường xuyên thiết kế những sản phẩm mới cho khách hàng cũ. Thông qua khách hàng cũ đó, chúng ta chăm sóc tốt, từ đó tìm thêm những khách hàng mới thông qua nông sản đặc sản, biến những khách hàng mua nông sản đặc sản thành khách du lịch”.
Tát mương bắt cá thu hút giới trẻ khi tham quan du lịch |
Bạn Nguyễn Thùy Linh, từ thành phố Hồ Chí Minh sau khi đi du lịch sinh thái tại công ty này bày tỏ: “Đây là lần thứ 4 em đến Tiền Giang. Du lịch Tiền Giang thay đổi rất nhiều so với các lần trước. Kỳ này em đi tuor trải nghiệm, Tiền Giang thay đổi về không khí, con người, phát triển du lịch rất nhiều. Em mong có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tiền Giang nhiều hơn. Em sẽ kể những câu chuyện rất thú vị từ người dân ở đây để bạn bè đến tham quan.
Tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, những người làm du lịch tại đây đã xây dựng kế hoạch, ý tưởng tạo ra những nét độc đáo để thu hút và giữ chân du khách. Đồng thời, nhiều điểm du lịch, điểm tham quan đã chủ động giảm giá vé từ 10 đến 50% để thu hút du khách đến trải nghiệm. Ông Trần Thanh Điển, thành viên Hội quán Cùng làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc chia sẻ:, “Với một chất lượng tốt hơn, cái thứ hai ở bên đây bây giờ đã là làng văn hóa du lịch chứ không còn là làng hoa bình thường nữa, cho nên tụi tôi cũng hiểu được trọng trách cần phải đầu tư chất lượng cho xứng đáng với việc khách đã bỏ tiền đến để thăm quan làng hoa. Đến thời điểm này, tất cả các điểm được đầu tư khá bài bản, còn chương trình chung từ đây đến 31 tháng 12 thì tất cả các điểm đều có thực hiện chương trình giảm giá.”
Đi xe ngựa trên đường quê được nhiều địa phương vùng ĐBSCL nhân rộng để phục vụ du khách |
Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền và ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch các tỉnh vùng ĐBSCL đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các hộ dân và doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn.
Ông Võ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết: “Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, sắp tới Châu Thành xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Việc phát triển du lịch thì kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp du lịch về phát triển trên địa bàn . Huyện đang quy hoạch cồn Qui, rồi cồn Tân Mỹ cũng tiếp tục quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Còn du lịch cộng đồng thì huyện rất tập trung, chỉ đạo các xã khai thác các điều kiện trên địa bàn từng xã làm sao phát triển du lịch gắn với cộng đồng”.
Hiện nay, dịch bệnh covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch trong khu vực và cả nước. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp kinh doanh du lịch vùng ĐBSCL cần tiếp tục chủ động đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch nhằm thu hút khách; trong đó đầu tư cơ sở vật chất, mở ra các tour, tuyến mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh du lịch; đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an toàn phòng ngừa dịch covid-19 trong trạng thái bình thường mới để cho du khách an tâm khi đến tham quan, nghỉ mát và hẹn ngày trở lại.