(VOV5) - Sáng nay 30/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về GDĐH.
Qua 05 năm thực hiện, Luật GDĐH năm 2012 đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và GDĐH nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nguồn: Quochoi.vn
|
Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày tại hội trường, thực tế 5 năm qua cho thấy GDĐH cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi của khoa học công nghệ, đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Yêu cầu đổi mới GDĐH để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế: "Thể chế hóa quan điểm quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH của Đảng và Nhà nước; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh đối với GDĐH. Hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH tạo ra sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong toàn hệ thống để huy động mọi nguồn lực phát triển GDĐH; đổi mới quản lý nhà nước, đổi mới quản trị đại học, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế để phát triển GDĐH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH cạnh tranh bình đẳng, phát huy nội lực, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng GDĐH".
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các đại biểu đề nghị tăng cường việc triển khai các Chương trình Luật; đẩy mạnh việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với các dự án luật. Một số đại biểu lưu ý việc đưa các dự án mới vào Chương trình cần tuân thủ các nguyên tắc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội.
Buổi chiều, các đại biểu quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.