(VOV5) - Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để đi tới thực hiện quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Quang cảnh Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập - tự do - hạnh phúc”. Ảnh: TTXVN |
Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8) và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2021), sáng 31/8, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tổ chức Hội thảo khoa học theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập-tự do-hạnh phúc”.
Các nhà nghiên cứu đều khẳng định với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền độc lập dân tộc phải gắn với tự do, hạnh phúc cho mọi người dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để đi tới thực hiện quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân và tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là tiêu chí căn cốt, thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc đã trở thành nguồn động lực, sức mạnh vô cùng to lớn thúc đẩy nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Trọn cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu, hy sinh vì những mục tiêu, giá trị cao cả của dân tộc và nhân loại, trong đó đặc biệt là khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường, chỉ lối để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Khát vọng Hồ Chí Minh là khát vọng giải phóng và phát triển. Khát vọng giải phóng trong đó chứa đựng vấn đề tìm đường, mở đường, dẫn đường. Sau khi tìm đường Bác mới mở đường. Mở đường ở đây Chủ tịch Hồ Chí Minh về Trung Quốc, Thái Lan để đưa Chủ nghĩa Mác-Lê Nin vào phong trào công dân, phong trào yêu nước để chuẩn bị các yếu tố về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đến năm 1930, khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam thì kết thúc giai đoạn mở đường".
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Ý chí, khát vọng của Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc cần tiếp tục được vận dụng và phát triển sáng tạo nhằm động viên, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, vượt qua những khó khăn, trở ngại, vững bước trên con đường đổi mới và phát triển, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.