(VOV5) - Ngày 09/08/2021, Viện Goethe tổ chức trình chiếu và thảo luận bài giảng với chủ đề: Để số hóa phục vụ sự phát triển bền vững.
Chương trình được đặt ra nhằm thảo luận về những câu hỏi được đặt ra: những tác động của số hóa đối với sinh thái và công bằng xã hội là gì? Số hóa mang lại những cơ hội và rủi ro nào cho sự bền vững? Liệu số hóa có dẫn đến một thế giới xanh thông minh, trong đó mọi người đều được hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ và đồng thời chúng ta đối xử mới môi trường một cách cẩn thận và đúng mức?
Bài giảng được chủ trì và giới thiệu bởi các đại diện đến từ các tổ chức, doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam đang hoạt động trong các lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, năng lượng tái tạo và lối sống bền vững ở Việt Nam. Tại đầu cầu Hà Nội: bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET); TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển; Tại Đà Nẵng: ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet); và tại Tp. Hồ Chí Minh: ông Lê Trung Thông, Giám đốc Công ty tái chế Lagom.
Người tham dự có cơ hội tham gia thảo luận trực tuyến cùng GS.Tilman Santarius Giáo sư về Chuyển đổi Sinh thái xã hội và số hóa bền vững tại Trung tâm Tương lai Kỹ thuật số Einstein ở Berlin.
Hội thảo được tổ chức với nhận thức về số hóa là một trong những quá trình chuyển đổi lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Số hóa làm tăng năng suất trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và tất cả các loại cơ sở hạ tầng trong giao thông vận tải và các ngành dịch vụ khác và cho cuộc sống hàng ngày. Người ta sẽ nghĩ rằng hiệu quả cao hơn trong tất cả các lĩnh vực sẽ góp phần mang lại tính bền vững hơn. Về vấn đề này, GS.Tilman Santarius nhấn mạnh: “Trong việc bảo vệ khí hậu, điều quan trọng là mỗi thứ đều "giảm đi một chút": giảm phát thải, giảm tiêu thụ năng lượng nói chung, không chỉ năng lượng hóa thạch...”.
Chúng ta chuyển sang sử dụng các trang web hay phần mềm nghe nhạc thay vì mua đĩa CD, nhưng vẫn luôn cần đến năng lượng cho việc duy trì wifi, các trang web và phần mềm để có thể lưu trữ danh sách bài hát yêu thích của mỗi người. Trong đại dịch Covid-19, chúng ta giảm 50-80% giao thông, nhưng lại tăng 120% các hoạt động trực tuyến. Đánh giá về đóng góp vào bảo vệ khí hậu, liệu số hóa có được xem là “một trò chơi có tổng bằng 0(zero sum game)”?
Đến tháng 8/2021, Viện Goethe Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu về Internet và Đời sống xã hội (Alexander von Humboldt Institute for Internet & Society (HIIG)) công chiếu online và offline chuỗi bài giảng trực tuyến “Hiểu về xã hội kỹ thuật số” và các cuộc thảo luận mở về những câu hỏi “nóng” liên quan đến số hóa đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life) sẽ là đơn vị đồng hành với Viện Goethe Hà Nội trong quá trình tổ chức chuỗi sự kiện này. Trong vai trò đối tác, Viện Social Life sẽ hỗ trợ thiết kế các hoạt động tương tác cho những người tham gia, đồng thời lan tỏa về mặt truyền thông đến sinh viên các trường đại học và cộng đồng học thuật tại Việt Nam trong mạng lưới của mình.