(VOV5) - Tối 30/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức khai mạc Lễ hội Thành Tuyên 2017.
Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại biểu quốc tế, tỉnh Tuyên Quang... cùng hàng vạn người dân và du khách thập phương.
Mô hình đèn Trung thu tham gia diễu hành trong lễ hội - Ảnh: Lan Anh |
Điểm nhấn của Lễ hội Thành Tuyên 2017 là chương trình “Đêm hội Thành Tuyên” với sự có mặt của 60 mô hình đèn Trung thu đẹp mắt, ý nghĩa nhất được chọn lọc từ hàng trăm xe mô hình của thành phố Tuyên Quang cùng với xe mô hình đại diện của các huyện tham gia diễu hành và những màn múa, hát của các cháu thiếu niên, nhi đồng hấp dẫn.
Ảnh: Lan Anh |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sáng kiến tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, một lễ hội Trung thu mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có của Tuyên Quang. Đây còn là một sự kiện văn hóa, xã hội, một sản phẩm du lịch góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về miền đất, con người và những giá trị văn hóa của tỉnh Tuyên Quang tới du khách trong nước và quốc tế.
“Để phát huy ý nghĩa và hiệu quả của sự kiện này, trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng truyền thống lịch sử quê hương cách mạng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, củng cố đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đồng thời chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đống bào các dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội; tiếp tục chăm lo, giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ, chăm lo cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.”
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng 300 triệu đồng và 100 xe đạp cho 100 cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi.
Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội thường niên của tỉnh Tuyên Quang vào dịp tết Trung thu. Những mô hình đèn Trung thu khổng lồ do người dân tự làm không những mang lại niềm vui cho thiếu nhi vùng cao mà còn đặt nền móng cho hoạt động văn hoá, lễ hội đặc sắc và trở thành thương hiệu riêng của tỉnh Tuyên Quang.