Kỷ niệm Ngày phát thanh Thế giới 13/02

(VOV5) - Phát thanh trao cho tất cả mọi người, không kể trình độ học vấn hay địa vị kinh tế xã hội, những cơ hội để tưởng tượng, để giải trí và để tham gia những cuộc tranh luận công khai trên sóng.

Tôn vinh sức mạnh của Phát thanh và thảo luận các cơ hội cũng như thách thức đối với Phát thanh trong kỷ nguyên thông tin số. Đó là những nội dung chính tại Lễ kỷ niệm Ngày phát thanh Thế giới 13/02 với chủ đề “Phát thanh và sự đa dạng”, do Đài Tiếng nói Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà nội tổ chức tại Trung tâm phát thanh quốc gia, 58 Quán Sứ. Tại buổi lễ, các đại biểu đều nhấn mạnh yêu cầu “đa dạng” về mọi mặt là đòi hỏi cấp thiết để các đài phát thanh tồn tại và phát triển trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thông tin hiện nay. 

Kỷ niệm Ngày phát thanh Thế giới 13/02 - ảnh 1Logo của World Radio Day 13/02/2020

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) Trần Minh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa của Ngày phát thanh thế giới 13/02 do UNESCO khởi xướng và được Đài TNVN phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà nội tổ chức kỷ niệm nhiều năm qua. Lễ kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới 2020 và các hoạt động liên quan hứa hẹn sẽ là diễn đàn hữu ích để các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, các nhà nghiên cứu… cùng trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và niềm tự hào được đóng góp vào sự nghiệp phát triển phát thanh.

Đây là sự ghi nhận, tôn vinh sức mạnh trường tồn của phát thanh của những người làm phát thanh trên toàn thế giới. Và cũng chính vì mục đích thúc đẩy nhận thức của công chúng về vai trò của phát thanh, đẩy mạnh mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức phát thanh, hằng năm vào ngày 13 tháng 2, UNESCO đã phối hợp với các đài phát thanh tổ chức kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới. Đài TNVN là một thành viên tích cực hưởng ứng sự kiện này trong nhiều năm trở lại đây với nhiều hình thức kỷ niệm phong phú và sinh động”. Phó Tổng giám giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng nhấn mạnh,

Kỷ niệm Ngày phát thanh Thế giới 13/02 - ảnh 2Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm. - Ảnh VOV.VN 

Về phần mình, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhắc lại quá trình hình thành và phát triển đầy tự hào của Đài TNVN 75 năm qua đồng hành cùng lịch sử đất nước. Ông bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa UNESCO và Đài TNVN, mà việc tổ chức Ngày phát thanh thế giới đều đặn nhiều năm qua là một minh chứng rõ nét. 

Tôi rất vui và vinh dự được cùng quý vị tham dự lễ kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới với chủ đề “Phát thanh và Sự đa dạng” ngay tại khán phòng của ngôi nhà Đài tiếng nói Việt Nam – nơi phát đi tiếng nói của quốc gia Việt Nam. Giờ phút này, lịch sử tự hào của Đài tiếng nói Việt Nam nhắc chúng ta nhớ về dấu mốc ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 – khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – và chưa tới 1 tuần sau đó, Đài tiếng nói Việt Nam được hình thành và phát thanh từ Thủ đô Hà Nội. Năm nay, những thành tựu của Đài tiếng nói Việt Nam sẽ được vinh danh cùng với những thành tựu khác của đất nước, để đánh dấu 75 năm Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. UNESCO cũng hy vọng sẽ được cùng quý vị tổ chức kỷ niệm bởi năm nay, 2020, UNESCO tròn 75 tuổi.

Theo UNESCO, Đài phát thanh vẫn luôn là một phương tiện truyền thông phổ cập toàn cầu, có tính đồng nhất, đặc biệt là phổ cập tới những khu vực nghèo, khu vực chưa được quan tâm đầy đủ, khu vực nông thôn và những khu vực khó tiếp cận, ở những nơi đó, đài phát thanh vẫn là một trong số ít những nguồn thông tin giải trí sẵn có, chi phí thấp mà lại đáng tin cậy. Đối với một số khu vực, đây còn là nguồn thông tin duy nhất. Phát thanh trao cho tất cả mọi người, không kể trình độ học vấn hay địa vị kinh tế xã hội, những cơ hội để tưởng tượng, để giải trí và để tham gia vào những cuộc tranh luận công khai, tương tác trên làn sóng.

Kỷ niệm Ngày phát thanh Thế giới 13/02 - ảnh 3Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại cuộc tọa đàm nhân Ngày Phát thanh Thế giới. - Ảnh: VOV

Ngày Phát thanh Thế giới 13/02 ra đời từ ý tưởng của UNESCO vào năm 2011 nhằm mục đích thúc đẩy nhận thức của công chúng về vai trò của phát thanh, đẩy mạnh mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức phát thanh, tôn vinh những đóng góp của đài phát thanh trong đời sống xã hội của toàn nhân loại, trong nhiều thời khắc lịch sử của từng quốc gia…

Ngày phát thanh thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012 và mỗi năm UNESCO chọn một chủ đề liên quan đến xu hướng phát triển của phát thanh như: Bình đẳng giới, Sự tham gia của thanh niên, Phát thanh trong các tình huống nhân đạo và thiên tai, Phát thanh chính là Bạn; Phát thanh và Thể thao ... 

Trong thông điệp Kỷ niệm ngày phát thanh Thế giới năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Gutteres nhấn mạnh “Phát thanh kết nối mọi người. Trong thời đại bùng nổ truyền thông, phát thanh vẫn giữ vai trò đặc biệt, là nguồn cung cấp thông tin chủ chốt cho mọi cộng đồng. Phát thanh cũng là nguồn đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong trong tăng cường tương tác với thính giả và không ngừng cải tiến về nội dung. Phát thanh là minh chứng về sự đa dạng tuyệt vời với nhiều thể loại, nhiều ngôn ngữ và đa dạng ở chính những người làm phát thanh."

Là Cơ quan truyền thông lớn và quan trọng hàng đầu của Nhà nước Việt Nam, với đầy đủ 4 loại hình báo chí, phát sóng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam và 12 ngôn ngữ trên thế giới; Đài TNVN là một điển hình về phát triển phát thanh trong đa dạng. Đài TNVN luôn là đơn vị tiên phong trong việc đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện truyền thông nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công chúng trong kỷ nguyên thông tin số. Các kênh phát thanh của Đài chú trọng xây dựng nhiều chương trình chất lượng cao, có nội dung mở và tăng tính tương tác nhằm thu hút sự tham gia của công chúng, đặc biệt là các thính giả trẻ.

Năm 2020, UNESCO chọn chủ đề “Phát thanh và sự đa dạng nhằm kêu gọi thúc đẩy sự đa dạng trong 3 vấn đề chủ đạo:

  • Đa dạng các chủ thể tham gia vào lĩnh vực phát thanh, gồm cả các đài phát thanh Nhà nước, tư nhân hay của cộng đồng. 
  • Khuyến khích sự góp mặt đông đảo và đa dạng trong đội ngũ sản xuất, gồm đại diện các thành phần khác nhau trong xã hội. 
  • Thúc đẩy sự đa dạng trên làn sóng về nội dung và các thể loại chương trình đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng thính giả.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác