(VOV5) - Cùng hỗ trợ nhau làm du lịch không chỉ giúp các chị em gia tăng thu nhập, mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái...
Bằng những điều kiện sẵn có cùng nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, những phụ nữ Tày ở Tà Chải huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển, quảng bá du lịch, cải thiện đời sống kinh tế.
Hội xòe ở Tà Chải - Ảnh: dulichsapa365.vn
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nằm ngay sát thị trấn Bắc Hà, xã Tà Chải , huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có 9 thôn, bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Đến Tà Chải, du khách không chỉ có dịp dạo quanh bản làng trên những con đường nhỏ quanh co, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn nhỏ xinh giữa bao la đồi núi, tham gia sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng điệu múa xòe độc đáo của đồng bào dân tộc Tày sinh sống nơi đây.
Ngôi nhà sàn của vợ chồng chị Trần Thị Vân, dân tộc Tày ở thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai mới khai trương dịch vụ du lịch cộng đồng khoảng 1 năm nay với cái tên “Vân Khuya homestay” nhưng đã bắt đầu hút khách, nhất là mỗi dịp cuối tuần. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, sản phẩm dân tộc giúp chị Vân cải thiện đáng kể thu nhập cho gia đình so với trước kia, cơ hội này đến với chị cũng rất tình cờ. Chỉ Vân kể: "Trông vào đồng lương của chồng tôi thì cũng khó khăn, được sự giúp đỡ của chị em phụ nữ trong huyện, xã đã cho tôi đi tham quan, học hỏi các mô hình tại Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, tôi thấy các mô hình đó rất hữu ích và đã về mở dịch vụ homstay ngay tại nhà để gia tăng thu nhập cho gia đình".
Du khách hòa mình cùng điệu xòe Tà Chải - Ảnh: An Kiên/VOV
|
Có điều nhiều người chưa biết là múa Xòe Tà Chải có sự giao thoa, tiếp biến với điệu valse của Pháp. Trong thời gian giúp xây dựng dinh Hoàng A Tưởng (từ năm 1914 đến năm 1921), người Pháp đã đưa nhịp điệu của valse vào xòe khiến cho điệu múa này càng tăng thêm tính sôi động, vui tươi. Điều này đã tạo nên nét độc đáo và đặc sắc riêng cho điệu xòe Tày, khác với xòe Mường, xòe Thái. Ngày nay, múa xoè trở thành hoạt động không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải.
Mỗi khi có hội, có lễ (lễ lồng tồng, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới…), người Tày Tà Chải lại tổ chức múa xòe. Xòe để cây lúa thành bông, cây bông thành bắp, trai gái thành đôi, xòe để quên đi những mệt nhọc của cuộc sống bộn bề hàng ngày. Đặc biệt, nếu đến Tà Chải vào mùa Xuân, du khách sẽ có dịp tham dự hội xòe được tổ chức vào ngày 05/1 âm lịch để cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Sau khi thầy cúng làm lễ cầu khấn, trong tiếng trống, chiêng, tiếng kèn pí lè vang lên rộn rã, tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, nam nữ cùng nắm tay nhau, hoà mình vào những điệu xòe truyền thống hết sức sôi nổi. Mô hình phát triển các dịch vụ du lịch kết hợp các hoạt động tìm hiểu các phong tục tập quán, nét văn hóa văn nghệ độc đáo của dân tộc đã góp phần thu hút khách du lịch nhất là khách du lịch quốc tế.
Hiện nay, ở Tà Chải, huyện Bắc Hà đã có hơn chục cơ sở homestay và 6 đội xòe thuộc các thôn Na Lo, Na Hô, Na Thá, Na Lang, Na Kim và Na Pác Ngam với đông đảo chị em phụ nữ tham gia. Cùng hỗ trợ nhau làm du lịch không chỉ giúp các chị em gia tăng thu nhập, mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; duy trì, phát huy bản sắc văn hóa; đẩy mạnh phong trào phụ nữ ở địa phương phát triển. Chị Vàng Thị Yến, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết: "Ngày trước các Hội viên tham gia công tác Hội rất ít vì các chị em lúc nào cũng tự ty, khép mình. Nhờ điệu múa xòe gắn với du lịch cộng đồng, các chị em đã tham gia và cảm thấy mạnh dạn hơn, từ đó thích tham gia tất cả các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động của Hội; các Hội viên cũng đoàn kết, gắn chặt nhau hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn".
Lên Tà Chải – một xã vùng cao nằm sát bên thị trấn Bắc Hà, ven con suối Na Cồ trong xanh, yên ả, du khách sẽ có cơ hội tiếp xúc với những phụ nữ Tày đảm đang, hồn hậu, cùng họ hòa mình trong những điệu xòe đắm say, bên nếp nhà sàn xinh xắn giữa trùng trùng núi non.