(VOV5) - Sáng nay (1/12), tại các tỉnh miền Trung ngớt mưa, nước lũ trên các sông đang xuống chậm. Mưa lũ đã gây ngập lụt diện rộng, làm 9 người thiệt mạng.
Chính quyền các địa phương huy động lực lượng giúp dân khẩn trương khắc phục, thông tuyến giao thông.
Tại huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ. Sáng nay mưa đã ngớt, lực lượng địa phương cùng người dân tập trung khắc phục tạm thời để người và phương tiện qua lại. Tại thôn 5, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, một quả đồi sạt xuống chiều qua (30/11) gây ách tắc giao thông. Sáng nay, hơn 70 hộ dân tập trung dọn dẹp đất đá, cây cối chắn ngang mặt đường để sớm thông tuyến.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền địa phương tập trung khắc phục các điểm sạt lở để thông tuyến: “Tập trung khắc phục tất cả các tuyến đường, đảm bảo thông tuyến tạm thời cho người dân đi lại. Hiện chỉ còn đường đi Trà Don, Nam Linh vẫn còn cấn điểm sạt lở trên Quốc lộ 40B, tại km 110, khoảng 15 giờ chiều nay sẽ thông tuyến tạm thời. Các phương tiện đã tập trung về các điểm sạt lở vì trước đó đã lên phương án sẵn sàng”.
Đến sáng nay, nước trên các sông ở tỉnh .Quảng Ngãi đang xuống. Các địa phương ở khu vực hạ lưu các sông chỉ còn ngập cục bộ ở một số điểm vùng trũng thấp. Chính quyền các địa phương huy động các lực lượng giúp dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn ở các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long bị sạt lở đã tạm thời được khắc phục, thông tuyến.
Mưa lũ những ngày qua đã làm nhiều địa phương ở tỉnh Bình Định ngập sâu trong nước. Ông Trần Văn Thành, tổ 2, khu vực 2, phường Trần Quang Diệu thành phố Quy Nhơn cho biết, hai ngày qua nước lũ đổ về khiến mọi người trở tay không kịp.
Hết đêm 30/11 và đến sáng hôm sau nước bắt đầu mới rút nhưng rút rất chậm. Cái dự phòng của người dân đến đó thôi và canh theo mức lụt 2009 thua 1m. Đồ đạc hư hỏng nhiều, còn nguyên nhưng mà không rả thôi. Xong lụt rồi thì mình dọn dẹp, những gì hư thì mình bỏ thôi”.
Mưa lũ tại tỉnh Bình Định những ngày qua làm 3 người chết, 2 người bị thương và hơn 31 ngàn nhà bị ngập nước, 1.250 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Hiện nay, ngành giao thông tỉnh này đang huy động các đơn vị bảo trì, sữa chữa đường bộ để khắc phục hư hỏng trên các tuyến giao thông. Những vị trí còn ngập lụt, cử lực lượng chốt chặn không cho người dân qua lại có dòng nước chảy xiết.
Tại huyện Tuy Phước vẫn còn ngập sâu. Địa phương huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân khắc phục hư hỏng nhà cửa cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ, nhanh chóng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: “Đang kiểm tra rà soát lại những hộ sau khi nước rút thì hỗ trợ họ, hầu hết các địa phương cũng chủ động việc này . Cơ bản nhất là khắc phục thiệt hại giao thông đi lại. Trường học còn ngập nước, sau khi rút sẽ vệ sinh. Chúng tôi đang đề xuất Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hỗ trợ lực lượng để dọn dẹp vệ sinh”.
Đến cuối giờ sáng nay (1/12), mưa lũ tại tỉnh Phú Yên đã làm 6 người chết. Mưa lớn kết hợp với các thủy điện xả lũ làm hơn 28.000 hộ dân ở các huyện Tuy An, Phú Hòa, Đồng Xuân và thành phố Tuy Hòa bị ngập nặng. Đến trưa nay, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã vẫn ngập sâu và chia cắt.
Các lực lượng chức năng huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Tuy An và thành phố Tuy Hòa đã sơ tán khoảng 5.500 hộ với 18.500 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện, lũ trên các sông ở Phú Yên đang xuống chậm, thủy điện sông Ba Hạ đang xả về hạ du với lưu lượng 5.400 m3/s. Tại một số vị trí ngầm, tràn mức ngập phổ biến từ nửa mét đến 1 mét rưỡi, gây ách tắc giao thông.
Ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Phú Yên cho biết: “Phối hợp với chính quyền địa phương rào chắn không cho người dân đi lại để đảm bảo an toàn. Đối với những điểm sạt lở dùng phương tiện múc đất đá đảm bảo có thể lưu thông một làn xe. Hiện nay cơ bản đã đảm bảo lưu thông trên các tuyến bình thường”.
Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, cùng với một số hồ chứa nước xả điều tiết đã gây ngập úng nặng nề nhiều nơi ở thành phố Nha Trang. Có gần 8.300 hộ, với khoảng 35.000 người dân bị ảnh hưởng ngập lụt. Các tuyến đường nối thành phố Nha Trang với huyện Cam Lâm, huyện Khánh Vĩnh với huyện Diên Khánh, huyện Khánh Sơn với thành phố Cam Ranh đã bị sạt lở nhiều nơi.
Ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, các địa phương đang tăng cường các biện pháp, không để người dân chủ quan nhằm tránh gây ra các thiệt hại về người và tài sản: “Các lực lượng xung kích, dân quân, tự vệ bảo vệ, canh gác các vị trí xung yếu, ngầm, cầu tràn, các vị trí ngập lụt sâu. Cảnh báo người dân và không cho người dân qua lại các vị trí mất an toàn. Vùng đã rút nước thì tuyên truyền người dân thực hiện vệ sinh an toàn nhà cửa, vệ sinh môi trường để đảm bảo sức khỏe, tránh dịch bệnh”./.