Múa Tứ linh - Nét văn hóa đặc sắc ngày Xuân

(VOV5) - Trong những ngày đầu xuân mới, ở một số vùng miền ở Việt Nam lại vang lên tiếng trống, chiêng rộn rã của những Hội múa tứ linh biểu diễn. 

Trong tín ngưỡng phương Đông, các con vật trong Tứ linh gồm Rồng (long), Ly (lân), Rùa (quy), Phượng (chim phượng hoàng) tượng trưng cho điềm may mắn, thành đạt, hanh thông. Trong những ngày đầu xuân mới, ở một số vùng miền ở Việt Nam lại vang lên tiếng trống, chiêng rộn rã của những Hội múa tứ linh biểu diễn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong tiếng trống dồn dập, rộn rã, các bậc cao niên thuộc đội múa Tứ linh của thôn Đục Khê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khỏe khoắn trong trang phục màu vàng, thắt lưng đỏ, đầu chít khăn đỏ khéo léo điều khiển từng linh vật với những điệu múa cuốn hút người xem. Những linh vật với tạo hình còn đơn sơ nhưng dưới sự điều khiển của các nghệ sỹ thôn quê trở nên sống động trong từng điệu múa.

Múa Tứ linh - Nét văn hóa đặc sắc ngày Xuân - ảnh 1 Đội tứ linh thôn Đục Khê biểu diễn. Ảnh: Hoàng Thi/Báo Dân Việt

Tại khoảng sân rộng, con rồng với thân mình làm bằng vải màu vàng, vây đỏ, dài hơn 35m gồm 11 khúc uốn lượn lên xuống, vòng qua, lộn lại uyển chuyển, đẹp mắt đi theo gậy ngọc của người dẫn đường. Con lân lắc lư đầu, đôi mắt lớn chớp chớp, uốn thân vờn theo cây côn; con rùa chầm chậm, thong thả với chiếc cổ thụt ra, thụt vào; con phượng khoe tấm thân lông vũ nhiều màu sắc chao lượn theo từng nhịp nhạc bát âm.

Nói về 4 loài vật trong múa Tứ linh, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: "Tứ linh là 4 con vật thiêng nằm trong truyền thống quan niệm về 4 vật thiêng của dân tộc. Trước tiên là con Rồng tượng trưng cho quyền uy, triều đình, cho nhà Vua, cho cả mưa, gió. Rồi đến con Lân tượng trưng cho sức mạnh. Con rùa - con vật mang phúc lợi đến cho mọi người. Và cuối cùng con phượng vừa là tượng trưng cho trên cao, vừa có màu sắc sặc sỡ đẹp đẽ, vừa có ảnh xạ của

Từ xa xưa, đời sống của 4 linh vật này đã được người dân cách điệu thành những động tác thể hiện trong múa Tứ linh. Vào các dịp lễ Tết, hội hè hay những khi được mùa, ngoài việc khuấy động không khí lễ hội, múa Tứ linh còn là một cách thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh, một lời cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, dân an quốc thái.

Múa Tứ linh không chỉ đòi hỏi người biểu diễn phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mà còn phải dứt khoát trong từng động tác, cử chỉ. Nếu người mang đầu Rồng thì phải mềm mại, uyển chuyển trong từng điệu uốn lượn, người mang đầu Lân phải biết dương vuốt ra oai. Những người cầm gậy ngọc, cầm côn phải nhanh nhẹn trong từng điệu bộ, bước đi. Ngoài ra, trong đội múa, người đánh trống, chiêng, thanh la cũng đóng vai trò quan trọng phần thể hiện bài múa. Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng:"Họ hóa trang, mượn các đạo cụ để thể hiện cho đủ 4 con vật thiêng với hình thù, động tác với cuộc sống của nó. Đưa múa Tứ linh vào dịp Tết thì không có dịp nào tốt hơn nữa vì đây là dịp thể hiện tất cả những mong ước về sự mạnh mẽ, sự sung túc, về thần linh phù trợ cho. Dịp Tết là lúc múa Tứ linh gặp được điều kiện, môi trường, hoàn cảnh tốt nhất để thể hiện được ý nghĩa".

Múa Tứ linh - Nét văn hóa đặc sắc ngày Xuân - ảnh 2  Giáo sư Lê Văn Lan Ảnh: Hoàng Hà/  vnexpress.net

Ý nghĩa bao trùm trước tiên của nghi lễ múa tứ linh là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho Phúc - Lộc - Thọ tới muôn người. Trong múa Tứ linh, các màn múa diễn ra theo thứ tự lần lượt là Long - Quy - Phượng - Ly và màn múa tổng hợp 4 linh vật. Mỗi một điệu múa trong cả màn diễn lại có những ý nghĩa riêng. Đặc biệt, với lễ khai hội chùa Hương, múa tứ linh là đưa bốn linh vật về với chốn cửa thiền. Trong đó, Long và Lân là hai linh vật vô cùng hung hãn, người múa côn điều khiển Lân và cầm gậy ngọc vờn Rồng chính là người mở đường, đưa những linh vật như thế vào chùa hướng thiện.

Sau khi đưa dẫn thành công các linh vật vào cửa thiền, những linh vật lập tức hóa thần. Các tích múa trong vở diễn đều hướng người xem đến những triết lý nhân sinh cao cả. Đó cũng giải thích vì sao người múa côn và cầm gậy ngọc phải là người được lựa chọn kỹ lưỡng và có vị trí quan trọng bậc nhất trong cả đội múa. Cụ Phạm Văn Hưng, người có thâm niên gần 30 năm múa Tứ linh, xã Hương Sơn, cho biết:"Khi đến cửa đình, cửa chùa, cửa đền, 4 con vật thiêng con nào cũng phải cúi đầu lễ Phật. Con Lân dữ như vậy mà đến cửa Phật trông thấy uy ngài nó cũng phải cúi mình theo. Ở Hương Sơn, màn múa Lân là phải có côn. Người cầm côn phải là 1 võ tướng để điều khiển con Lân".

Hình ảnh đoàn múa tứ linh với màu sắc sặc sỡ đi quanh làng trong tiếng trống, chiêng rộn ràng chào đón xuân mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của nhiều vùng quê Việt Nam.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác