(VOV5) - Bộ Công Thương cũng đã bàn với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á có 2 khoản tín dụng rất quan trọng
Hội nghị tham vấn huy động nguồn lực đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức sáng 18/12, tại Hà Nội.
Hội nghị tham vấn huy động nguồn lực đầu tư chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025. - Ảnh: Đức Duy/Vietnam+ |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, để kế hoạch đến năm 2025 hầu hết số hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo có điện đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng là thu hút vốn từ nguồn quốc tế: Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã bàn với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á có 2 khoản tín dụng rất quan trọng, khoản tín dụng của WB khoảng 360 triệu USD, đã trình Bộ Kế hoạch đầu tư vào ngày 31/12/2019 và khoản tín dụng thứ 2 là của ADB 400 triệu USD cũng đã trình Bộ Kế hoạch đầu tư từ 31/12/2019 và đang thiết kế tiếp một khoản vay của Chương trình phát triển chuyển đổi năng lượng bền vững với EU là 141 triệu USD.. và dự kiến dành riêng cho chương trình phát triển điện nông thôn miền núi, hải đảo là 71 triệu USD.
Ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Ngành Năng lượng của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đã trở thành hình mẫu toàn cầu về chương trình điện khí hóa và nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn học hỏi Việt Nam về quá trình điện khí hóa trong 2 thập kỷ qua. Ông Rahul Kitchlu cho biết, WB đã huy động khoảng 2 tỷ USD trong cam kết 5 tỷ USD của WB cho chương trình điện khí hóa ở Việt Nam và khẳng định, điện khí hóa là một trong những ưu tiên của WB dành cho Việt Nam. WB hoan nghênh sáng kiến của Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình này.