Người Rục xây dựng bản làng ấm no

(VOV5) - Người Rục bây giờ không chỉ biết làm lúa nước mà nhiều người còn biết vay vốn trồng rừng, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại để làm giàu. 

Sau gần 65 năm kể từ khi được tìm thấy giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, đồng bào dân tộc Rục đang dần đạt những kỳ tích mới trong quá trình phát triển đời sống kinh tế, xã hội. Từ một bộ tộc “người rừng”, đến nay đồng bào đã biết cách phát triển kinh tế, từng bước xây dựng bản làng ấm no. 

Người Rục xây dựng bản làng ấm no - ảnh 1Người Rục chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thanh Hiếu/VOV

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
Năm 1959, 34 người Rục được Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tình cờ phát hiện. Khi đó, người Rục lấy hang đá làm nhà, quần áo làm bằng vỏ cây, không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài…

Sau gần 65 năm, đến nay người Rục có hơn 144 hộ với 580 nhân khẩu, sống tập trung tại 3 bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp và bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Dưới dãy đá vôi sừng sững, bên những cánh đồng lúa nước trù phú, những bản làng người Rục hiện ra với những ngôi nhà mới, mái ngói đỏ tươi. Những con đường bê tông chạy thẳng từ đầu đến cuối bản, hai bên đường có những cột đèn đường sáng trưng.

Trước những đổi thay của quê hương, ông Cao Xuân Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, phấn khởi cho biết: "Trước đây rất là khổ cực. Hiện nay, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chuyện học hành trước đây rất là khó, rất ít con em học đến lớp 12, nhưng bây giờ đã khác. Đã có em học lên đại học, sau này các em trở về quê hương dạy học, cống hiến, giúp đỡ bà con được nhiều hơn. Cuộc sống người Rục càng phát triển, từng bước đi lên."

Người Rục xây dựng bản làng ấm no - ảnh 2Cao Thị Lệ Hằng là cô gái người Rục đầu tiên đỗ vào Đại học. Ảnh: Thanh Hiếu/VOV

Để có được như ngày hôm nay là một hành trình dài, từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình, và trên hết là sự quyết tâm của chính những người Rục bước ra thế giới văn minh, xây dựng bản làng. Những lớp học xóa mù được mở, đến nay, con em đồng bào Rục hầu hết đã phổ cập tiểu học. Năm 2023, lần đầy tiên, một người con của đồng bào Rục đỗ đại học. Đó là nữ sinh Cao Thị Lệ Hằng, 19 tuổi, bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, thế hệ thứ 2 của người Rục sau khi rời hang đá. Hằng hiện đang theo học ngành Sư phạm tại trường Đại học Quảng Bình và mới đây, em vinh dự là đại biểu của tỉnh Quảng Bình dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI. Cao Thị Lệ Hằng tâm sự: "Bước vào giảng đường Đại học là ước mơ của em mặc dù phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước, em xác định cố gắng đi học, hết sức phấn đấu để mai sau có thể giúp đỡ gia đình, cống hiến cho xã hội và bản làng của mình."

Người Rục xây dựng bản làng ấm no - ảnh 3Cánh đồng lúa nước Rục Làn dưới những dãy núi đá vôi. Ảnh: Thanh Hiếu/VOV

Cũng nhờ Bộ đội Biên phòng, Công an, cán bộ địa phương bày cho bà con cách cầm cái cuốc, trồng cây lúa, giờ đây, cánh đồng của bà con đã trồng năm 2 vụ lúa nước, cho năng suất cao. Người Rục bây giờ không chỉ biết làm lúa nước mà nhiều người còn biết vay vốn trồng rừng, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại để làm giàu. Nhờ đó, nhiều gia đình đã mua được xe máy, ti vi, nâng cao cuộc sống, có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Trung tá Hoàng Công Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Chính quyền các cấp, đồn biên phòng Cà Xèng đã hỗ trợ bà con xây dựng nhà, hỗ trợ sinh kế ban đầu. Đặc biệt những năm gần đây, đời sống của bà con, bộ mặt quê hương đã thay đổi rất nhiều, từ nếp sống văn minh cho đến cuộc sống, trình độ nhận thức ngày càng được nâng lên, đời sống ổn định làng bản văn minh tốt đẹp hơn."

Ông Cao Trung Trực, ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, khẳng định có được cuộc sống ấm no hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước, địa phương đã chăm lo cho đồng bào trong nhiều năm qua. Cuộc sống, suy nghĩ của bà con đã có nhiều thay đổi: "Bây giờ thuận lợi nhiều, có điện, đường, trường, trạm. Người dân bản làng làm ăn thuận lợi. Bà con cùng nhau đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên. Nhờ Đảng, Chính phủ, chính quyền cấp xã động viên, giúp đỡ bà con rất nhiều."

Trên con đường nối vào bản làng của đồng bào Rục - Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, không khí Xuân đã tràn ngập. Dưới chân dãy núi đá vôi Phong Nha- Kẻ Bàng, trong thung lũng Rục Làn, các thế hệ con em người Rục đang viết tiếp kỳ tích bằng sự nỗ lực học hành, vươn lên làm giàu. Hành trình gần 65 mùa xuân từ cuộc sống trong hang đá đến xây dựng bản làng ấm no của người Rục đã trở thành hiện thực.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác