(VOV5) - Nhiều bạn trẻ ở Lý Sơn, Quảng Ngãi đã mạnh dạn đi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị nông sản
Nhận thức nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện hữu do thói quen sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ ở Lý Sơn, Quảng Ngãi đã mạnh dạn đi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị nông sản cho quê hương mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dù có công việc và thu nhập ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng anh Đặng Văn Trọng, 34 tuổi, vẫn quyết định trở về quê hương Lý Sơn để lập nghiệp, làm nông sản sạch. Khi bắt đầu làm nông sản sạch cách đây 3 năm, anh Trọng gặp không ít khó khăn vì môi trường đất bị nhiễm phèn, sâu bệnh hoành hành. Nhưng với quyết tâm và nghị lực của mình, anh đã kiên trì phục hồi lại đất và tạo môi trường sinh thái xung quanh khu ruộng tỏi nhà mình.
Những mẻ tỏi đen đạt chuẩn VietGap của Công ty Cổ phần Dori huyện Lý Sơn.
|
Đặng Văn Trọng cho biết, quy trình sản xuất tỏi hữu cơ hoàn toàn không dùng đến chất hóa học, chỉ dùng những gì là hữu cơ như lá cây, phân bò, rong biển…, làm phân bón Phòng trừ sâu bệnh thì dùng dung dịch tự chế từ lá cây, ngăn sâu bệnh tấn công cây tỏi. Điều khác biệt của mô hình trồng tỏi này là cỏ dại chỉ được loại bỏ khi mọc quá phần ngọn cây tỏi, tránh tình trạng tranh chấp ánh sáng.
Theo anh Trọng, cỏ dại được giữ lại giúp đảm bảo độ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh gây hại. Canh tác theo phương thức này, năng suất không cao nhưng bù lại, mỗi kg tỏi hữu cơ được giá bán ra cao hơn 3 – 4 lần so với tỏi bình thường. Chia sẻ về quá trình làm nông sản sạch, anh Trọng cho biết: “Tất cả những gì liên quan đến chất hóa học như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ mình đều không dùng. So với người dân làm theo phương pháp bình thường chỉ đạt 60-80% , đó là về năng suất nhưng giá bán tăng gấp 3 lần”.
Huyện đảo Lý Sơn hiện có 3 mô hình sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 3 ha, do những người trẻ làm chủ. Mô hình trồng tỏi hữu cơ hai năm đầu năng suất thấp, vì phải phục hồi lại đất và tạo môi trường sinh thái.Dẫu vậy, những người trẻ ở Lý Sơn vẫn dồn hết tâm sức để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch.
Anh Nguyễn Văn Nhật, cũng là một người trẻ tham gia trồng tỏi hữu cơ tại Lý Sơn bày tỏ: “Mong muốn của chúng tôi là tạo thương hiệu tỏi Lý Sơn.Mình phát triển mạnh hơn về nguồn tỏi sạch để cung cấp cho người tiêu dùng yên tâm về sức khỏe của người ta. Vì vậy, tôi đầu tư tỏi sạch mục đích cuối cùng là để đưa thương hiệu tỏi Lý Sơn đi xa hơn, đến với người tiêu dùng an toàn về sức khỏe hơn”.
Thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp không dùng cát trắng va các sản phẩm hóa học, người trẻ ở Lý Sơn đã và đang thực hiện giấc mơ bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hành tỏi của quê hương mình. Chính quyền huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch. Trước mắt là xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch để người dân và doanh nghiệp tham gia.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Lý Sơn,khẳng định: “Việc sản xuất nông nghiệp sạch sẽ gắn kết về phát triển du lịch. Khi khách du lịch ra Lý Sơn có sản phẩm nông nghiệp sạch thì họ đến tham quan hay trình diễn, tìm hiểu. Khi thấy như thế thì giá trị cây tỏi sẽ cao hơn. Chúng tôi cũng đã khuyến khích các nhà đầu tư có nhu cầu và tạo điều kiện để làm cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân, nhà nước đến làm nông nghiệp sạch”.
Hy vọng rằng, với quyết tâm và sức trẻ của mình, những thanh niên dám nghĩ, dám làm trên huyện đảo Lý Sơn sẽ gặt hái thêm nhiều thành công với mô hình nông sản sạch, mở ra hướng phát triển kinh tế tốt và có sức lan tỏa trong vùng và cả nước.