(VOV5) - Dự báo áp thấp nhiệt đới hiện tại đang mạnh lên thành bão số 7 vào ngày 12/10.
Sáng 12/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp bàn phương án ứng phó khẩn cấp với mưa lũ ở miền Trung và ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão số 7 trên biển Đông.
Quang cảnh cuộc họp
|
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng tủy văn Quốc gia, vào hồi 7h ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 07 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định: “Khả năng rất cao áp thấp nhiệt đới hiện tại ở biển Đông sẽ mạnh lên thành bão số 7 trong ngày 12/10 và có diễn biến hướng đi, cường độ, quỹ đạo rất phức tạp. Cơn áp thấp nhiệt đới/bão này có thể đi lên đảo Hải Nam, sau đó vòng vào Vịnh bắc bộ kết hợp với không khí tràn xuống sẽ gây ra gió mạnh, mưa lớn và di chuyển rất khó lường”.
Theo ông Lâm, áp thấp nhiệt đới/bão số 7 khả năng sẽ gây mưa to cho phía Đông bắc bộ và Bắc trung bộ trong ngày 14-15/10. "Trong 1-2 ngày tới khu vực Trung trung bộ vẫn sẽ mưa to, đặc biệt trong ngày và đêm nay (12/10). Sông Thạch Hãn có khả năng vượt lũ lịch sử năm 1999. Do mưa đêm qua ở Quảng Trị rất lớn, dự báo trưa và chiều nay tại sông Thạch Hãn có khả năng lên 7.4m, trên bđ3 1.4m; vượt lũ lịch sử 0.11m. Ngoài ra, ở phía Nam Philippines đã hình thành một vùng thấp, dự báo tới ngày 15/10 sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và khả năng cao sẽ mạnh lên thành cơn bão số 8”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, thiên tai sắp tới xảy ra ở khắp các tuyến biển, đồng bằng, vùng núi của nước ta. Phạm vi ảnh hưởng rộng.
"Khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên sắp tới khả năng sẽ bị ảnh hưởng liên tiếp của 2 cơn bão số 7 và số 8. Hiện nay mưa lũ ở Trung Bộ gây thiệt hại không nhỏ và chưa khắc phục được hết. Thiên tai đợt vừa qua rất lớn, tác động vượt quá khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng của chúng ta. Nhiều khu vực còn thiếu kĩ năng, việc chấp hành luật pháp kém, còn chủ quan, chỉ đạo còn trên giấy tờ, chưa chỉ đạo thực tế ở hiện trường, vụ việc tàu Vietship vừa qua là một ví dụ", ông Hoài nhấn mạnh.
Theo ông Hoài, toàn bộ hệ thống cần phải căng mình tập trung chỉ đạo, ứng phó với thiên tai kịp thời tránh gây ra những hậu quả từ thiên tai. Cơn áp thấp nhiệt đới/bão 7 sẽ phức tạp hơn bão số 6 rất nhiều khi tương tác khi đi qua đảo Hải Nam và các hình thái thời tiết khác. Thiệt hại trên biển trong thời gian qua là không nhỏ, cần tiếp tục thông tin hướng dẫn kiểm đếm tàu thuyền. Do phạm vi rộng nên bên Bộ đội biên phòng và Tổng cục Thủy sản cần nhắc nhở, thông báo ngư dân có ý thức cảnh giác hơn để ứng phó kịp thời.
Những ngư dân trên các lồng bè cần được sơ tán kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Bão khả năng đổ bộ vào cuối tuần nên cần tập trung đảm bảo an toàn cho các khu du lịch nhất là trên đảo, bán đảo,…sẵn sàng cấm các phương tiện du lịch, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực này khi bão vào.
Các tàu vãng lai và tàu neo đậu ở các cửa sông năm nào cũng bị ảnh hưởng, năm nay cũng bị thiệt hại nên đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiểm tra và chỉ đạo sát sao về vấn đề này.
Đề nghị Bộ Ngoại giao liên hệ để ngư dân được tránh trú bão ở các khu vực an toàn trên địa phận các nước bạn. Tăng cường theo dõi, đảm bảo an toàn cho người dân và cung cấp nhu yếu phẩm, y tế, đảm bảo đời sống cho người dân.
Khôi phục tuyến đường bị chia cắt chịu ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian qua nhất là ở khu vực miền núi. Đảm bảo thông suốt giao thông khi có thiên tai xảy ra. Nếu có ngập lụt thì phải đảm bảo an toàn về sản xuất, thu hoạch các sản phẩm lúa đến thời gian hu hoạch.
Hiện nay các hồ chứa ở khu vực miền Trung đang xả lũ theo quy định liên hồ chứa, khoa học theo thủy triều và mức lũ. Tuy nhiên đề nghị, EVN cần theo dõi, chặt chẽ việc xả lũ, tăng cường thông tin cho hạ du trong bất kỳ tình huống xả lũ.
Đề nghị lực lượng cứu hộ cứu nạn tổng hợp để có thể hỗ trợ về phương tiện cứu hộ cứu nạn cho các địa phương. Tiếp tục tổng hợp theo quy định về gạo nước, nhu yếu phẩm cần thiết khác để hỗ trợ các địa phương đang chịu ảnh hưởng của thiên tai.
"Ngoài ra chuẩn bị soạn thảo tin nhắn, vừa qua đã soạn 8,9 triệu tin nhắn đến người dân. Và hiệu quả từ việc này rất cao cần tập trung thực hiện", ông Hoài cho biết thêm.