(VOV5) - Thịt động vật hoang dã có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng tê tê rất có thể là vật chủ trung gian khiến virus gây bệnh Covid-19 lây sang người từ dơi - Ảnh: AP
|
Ngày 2/3, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khu vực châu Á-Thái Bình Dương ra lời kêu gọi chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trong toàn khu vực. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh sự xuất hiện và lây lan của dịch COVID-19 và các dịch bệnh tương tự như SARS, MERS trong những năm gần đây, đã cho thấy sự nguy hiểm của việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật hoang dã đối với sức khỏe con người.
Theo Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam, hiện các văn phòng WWF châu Á-Thái Bình Dương kêu gọi Chính phủ các nước ở Đông Á và Đông Nam Á tiếp bước Trung Quốc ban hành lệnh cấm vĩnh viễn việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã. Hiện Đông Nam Á vẫn nổi tiếng là nơi cung cấp sản phẩm các loài hoang dã và là nơi trung chuyển các sản phẩm này tới thị trường Trung Quốc. Thịt động vật hoang dã có thể ẩn chứa những mầm bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch của con người không có khả năng chống lại.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Việt Nam cần có những hành động quyết liệt tương tự để đóng cửa các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, đồng thời cấm vĩnh viễn tiêu thụ động vật hoang dã, bao gồm cả cấm tiêu thụ thịt thú rừng và sử dụng các bộ phận của chúng làm thuốc. Sức khỏe của người dân, sự ổn định về kinh tế, hệ số tín nhiệm quốc gia và an sinh xã hội cần được đặt lên hàng đầu.