Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão Prapiroon

(VOV5) -

Cuối tuần qua, bão Prapiroon (bão số 2) đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cho nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam, trong đó có: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Hiện các địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa, lũ.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão Prapiroon - ảnh 1Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội (đứng giữa), trao đổi, động viên lực lượng xung kích phòng chống lũ tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu bão Prapiroon gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhiều địa phương có mưa to đến rất to gây lũ, lũ quét, sạt lở đất khiến 10 người chết (trong đó: Sơn La 7 người, Điện Biên có 2 và Hà Nội 1); 9 người mất tích; hơn 1.500 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; gần 30.000 héc ta lúa, hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng; gần 12.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 188 ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại…

Chiều qua (29/7), Bí Thư Thành uỷ Hà Nội, bà Bùi Thị Minh Hoài, đã đến thăm và kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của bão Prapiroon và mưa lũ trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Tại đây, bà Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ, 2 huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân. Phải bảo đảm cho người dân di tản có cuộc sống tương đối, sinh hoạt tối thiểu và không để ai bị đói, rét; bảo đảm sức khỏe, nhất là phải quan tâm đặc biệt tới người già, yếu thế, người tàn tật. Tại tỉnh Sơn La, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 22-26/7 khiến hệ thống giao thông trên địa bàn hư hỏng nặng.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão Prapiroon - ảnh 2Sơn La vẫn còn gần 40 hộ ngập sâu trong nước do mưa lớn những ngày qua. Ảnh: Thu Thùy/VOV

Trên tuyến đường tỉnh và đường quốc lộ đã có trên 4.000 điểm bị sạt lở; khối lượng đất đá sạt lở trên 265.000m3. Tại Thành phố Sơn La, sau hơn 2 ngày ngập sâu trong nước lũ, ngay sau khi nước bắt đầu rút, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và bà con đã bắt tay vào việc khắc phục thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc dự án tuyến đường tránh thành phố Sơn La, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết toàn bộ các điểm sạt lở, ách tắc đã được khắc phục để đảm bảo giao thông được thông suốt: "Chủ động trước đợt mưa lớn được dự báo, chúng tôi đã bố trí tất cả nhân sự của các gói thầu đi rà soát trên toàn tuyến để phát hiện các sự cố có thể xảy ra, yêu cầu nhân sự trực 24/24 trên hiện trường và đi kiểm tra liên tục, kịp thời khắc phục sự cố nếu xảy ra".

Trong khi đó, tại Điện Biên, tính đến hết ngày hôm qua (29/7), tỉnh Điện Biên đã tìm được 3 trong số 5 người mất tích do trận lũ quét sáng ngày 25/7. Trước đó, tỉnh đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện, máy móc xuống hiện trường để triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ. Thượng tá Lù Minh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: "Tinh thần của Công an tỉnh Điện Biên là chưa tìm được người thì chưa về. Chúng tôi sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, con người để ưu tiên tìm kiếm các nạn nhân, di dời đồ đạc, tài sản của người dân đến nơi an toàn".

Hiện các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc đang theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du; công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút.

Lê Hạnh+Trấn Long+Vĩnh Phong
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác