Thành phố Hồ Chí Minh: Thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

(VOV5) - Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030.

49 năm sau ngày giải phóng (1975 – 2024), Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay từng bước phát triển thành đô thị trung tâm hành chính hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.

Thành phố Hồ Chí Minh: Thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu - ảnh 1Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao chứng nhận “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO cho TP.HCM. Ảnh: VOV

Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) là một mạng lưới quốc tế gồm các thành phố có chung sứ mệnh thúc đẩy học tập suốt đời ở cộng đồng sở tại. Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu hiện có 356 thành phố thành viên từ khắp nơi trên thế giới cùng chia sẻ nguồn cảm hứng, tri thức và các thông lệ tốt nhất.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành viên chính thức “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO thể hiện sự công nhận của thế giới đối với các chính sách, cam kết, nỗ lực của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong việc đảm bảo nền giáo dục chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; góp phần nâng cao vị thế giáo dục của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh: Thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu - ảnh 2Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ảnh: VOV

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng: "UNESCO rất quan tâm đến sáng kiến của thành phố về việc xây dựng và phê chuẩn bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc, dựa trên khung trường học hạnh phúc toàn cầu của UNESCO, cùng chủ trương áp dụng tại các trường học tiểu học và trung học cơ sở tại thành phố. Mô hình này sẽ là trọng tâm của công cuộc đổi mới giáo dục, đặt hạnh phúc là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng học tập."

Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát triển cả về số lượng và chất lượng, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã phủ khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức với hơn 5.700 cơ sở giáo dục và đạo tạo từ cấp mầm non đến đại học. Thành phố Hồ Chí Minh tạo cơ hội, điều kiện cho người dân được học tập và học tập suốt đời để nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng, tay nghề, góp phần thay đổi nguồn nhân lực của đất nước, tạo nên đột phá về năng xuất lao động và chất lượng cuộc sống của người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh: Thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu - ảnh 3Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VOV

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030. Tính đến nay, thành phố đã có hơn 1,6 triệu gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, hơn 1.000 dòng học học tập, hơn 10.000 người được công nhận là công dân học tập.

Thành phố sẽ tiếp tục phát triển, trở thành một trung giáo dục hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và đạt được uy tín, thứ hạng cao trong đánh giá và nhìn nhận của thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực không ngừng để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội học tập và phát triển; cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và xây dựng môi trường học tập tốt hơn cho tất cả mọi người.

Nhân dịp đón nhận danh hiệu Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát động Chương trình hành động xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030”. Chính quyền thành phố đề ra các chương trình hành động để thành phố trở thành nơi mọi người dân không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi, tạo ra môi trường học tập mở.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Để phát huy những thành quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, truyền cảm hứng và ý chí học tập suốt đời đến mọi người. Tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình, ý nghĩa trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, tập trung thực hiện chương trình chuyển đổi số, nền tảng thích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố và xem đây là cuộc cách mạng."

49 năm sau ngày giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đang sẵn sàng cho hành trình bước tới tương lai mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu; xây dựng một cộng đồng học tập, một xã hội học tập, cùng nhau xây dựng một thế giới học tập

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác