Tỉnh Sóc Trăng quan tâm, chăm lo cho học sinh dân tộc nội trú

(VOV5) - Mô hình giáo dục của các trường phổ thông Dân tộc nội trú đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Các trường phổ thông Dân tộc nội trú tại tỉnh Sóc Trăng luôn nỗ lực gảng dạy, chăm sóc học sinh dân tộc nội trú. Những hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp với học sinh dân tộc nội trú được tổ chức đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho các em và giáo viên.

Tỉnh Sóc Trăng quan tâm, chăm lo cho học sinh dân tộc nội trú - ảnh 1Học sinh trường THCS Dân tộc nội trú huyện Châu Thành mặc đồng phục các ngày thứ 2 hàng tuần. Ảnh: VOV
Nghe âm thanh tại đây: 
Đến thăm trường Trường Trung học Cơ sở Dân tộc nội trú huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, điều cảm nhận đầu tiên là cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, hiện đại, khuôn viên sân trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Chia sẻ sau 4 năm học tập và sinh hoạt tại trường, em Trần Thị Chanh Tha, học sinh lớp 9A2, cho biết môi trường học tại đây rất tốt, gia đình học sinh không phải lo chi phí học hành: “Đầu năm các em được trường cấp sách vở, viết… đầy đủ. Giáo viên luôn quan tâm chúng em, khuyến khích chúng em học, cũng như vệ sinh nơi ăn ở, sinh hoạt sạch sẽ”.

Trong năm học này, trường có 265 học sinh, trong đó chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Khmer theo học, với 8 lớp từ lớp 6 đến lớp 9. Mặc dù phải ở xa gia đình trong thời gian học tập, nhưng với sự quan tâm chăm sóc, động viên của các thầy, cô giáo, các em luôn cố gắng trong học tập và rèn luyện.

Học tập tại đây, các em còn được tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ do nhà trường tổ chức. Mới đây nhất, đó là Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, tất cả học sinh của trường được tham gia các hoạt động văn hóa tại chùa Nam Tông Khmer gần đó. Tối về, trường tổ chức biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Khmer do chính các em thể hiện. Những hoạt động như thế này, giúp các em hiểu biết thêm văn hóa truyền thống dân tộc. Em Sơn Hảo Nghi, học sinh lớp 6, trường Trường Trung học Cơ sở Dân tộc nội trú Châu Thành, chia sẻ: “Em thấy tự tin và em cũng biết hát nên các hoạt động của trường là em đăng ký tham gia. Em từng thi thử trong chương trình mà nhà trường tổ chức, đó là cuộc thi “giọng ca vàng” và em thi đạt. Giờ cứ có chương trình văn nghệ là em tự tin tham gia”.

Tỉnh Sóc Trăng quan tâm, chăm lo cho học sinh dân tộc nội trú - ảnh 2Một khung hình tuyệt đẹp được ghi tại Trường Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, Sóc Trăng. Ảnh: VOV

Hằng năm, trường luôn có những hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, giới thiệu về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca... Thầy Đồ Văn Nôl, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Dân tộc nội trú huyện Châu Thành, cho biết: “Để góp một phần công sức trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có dân tộc Khmer. Trong thời gian qua, nhà trường luôn tổ chức các hoạt động cả về văn nghệ, thể dục, thể thao để tạo điều kiện cho học sinh có sân chơi bổ ích cũng như góp phần tạo tinh thần thoải mái cho các em, giúp các em nâng cao chất lượng học tập”.

Trường Trung học Cơ sở Dân tộc nội trú huyện Châu Thành đạt chuẩn Quốc gia năm 2016 và tái đạt chuẩn Quốc gia năm 2021. Hằng năm, trường luôn được đầu tư sửa chữa, trang thiết bị dạy và học, các sân chơi phục vụ cho hoạt động ngoài giờ lên lớp của các em. Mới đây nhất là đầu tư xây dựng hồ bơi, ngoài ra, còn được trang bị bộ nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer cho các em học và tham gia biểu diễn… Riêng trong năm học này, trường được cải tạo, sửa chữa khu nội trú, phòng máy vi tính và một số hạng mục khác với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Từ sự quan tâm của địa phương, những nỗ lực của giáo viên, chất lượng học tập của các em được nâng lên rõ rệt. Trong năm học vừa qua, hơn 70% học sinh của trường đạt học lực khá giỏi. Thầy Đồ Văn Nôl, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Dân tộc nội trú Châu Thành, cho biết thêm: “Với môi trường tốt, thầy cô giáo, nhân viên của Trường cũng thấy được trách nhiệm. Tập thể nhà trường luôn sát sao trong việc học tập của học sinh, đặc biệt là trong sinh hoạt, mà nhất là đối với học sinh lớp 6, là học sinh mới vào học tại nội trú, lần đầu tiên sống tự lập khỏi gia đình. Nên các em rất cần sự gần gũi và hỗ trợ của tập thể thầy cô giáo, của toàn thể anh chị nhân viên nhà trường, giúp các em có kỹ năng tự lập, kỹ năng sống trong môi trường tập thể nội trú”.

Mô hình giáo dục của các trường phổ thông Dân tộc nội trú đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tại tỉnh Sóc Trăng, hiện có 10 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, với trên 100 lớp và trên 3.300 học sinh vùng đồng bào dân tộc theo học. Đặc biệt, các trường lớp đều được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng. Nhờ sự quan tâm của ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đối với vùng dân tộc thiểu số cùng với chính sách ưu tiên, đặc thù đối với học sinh dân tộc thiểu số, đã giúp con em đồng bào được học tập xuyên suốt, chất lượng giảng dạy nâng cao. Nhiều em sau khi học xong đã theo học tiếp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo nguồn nhân lực để địa phương phát triển.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác