(VOV5) - Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi.
Cán bộ về tận bản chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây Mắc ca cho người dân huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu - Ảnh: Khắc Kiên/ VOV |
Dựa theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới thì tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 16,8% xuống còn 5% trong giai đoạn từ 2010-2020, với trên 10 triệu người dân đã được hỗ trợ thoát nghèo. Như vậy, trong 10 năm qua, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng. Đây là thông tin được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra trong buổi công bố Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp, diễn ra sáng 28/04, tại Hà Nội.
Trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi. Các chỉ số cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, với nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội. Theo WB, Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có về kinh tế-xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh”, Ngân hàng Thế giới khẳng định. Phân tích của WB cũng cho thấy trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc và sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và là thị trường đầy hấp dẫn với thế giới. GDP bình quân đầu người (tính theo tỷ giá USD cố định năm 2015) tăng từ 481 USD năm 1986 lên 2.655 USD Mỹ năm 2020.
Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng có tính chất bao trùm và sinh kế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo ở một số nhóm nghèo kinh niên đã giảm gần một nửa trong giai đoạn 2010 - 2020, bao gồm các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Cũng theo WB, tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam có tính chất bao trùm do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình.