(VOV5) - Thách thức mà Việt Nam phải đối mặt chính là tìm ra và thực hiện các giải pháp thiết thực, cấp bách để giảm nhanh số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Thăm khám về dinh dưỡng cho trẻ em - Ảnh: UNICEF/TTXVN |
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tại Việt Nam, có 90% trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở Việt Nam không được điều trị. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng là dạng suy dinh dưỡng gây chết người nhiều nhất và là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với tính mạng của trẻ em. Thách thức mà Việt Nam phải đối mặt chính là tìm ra và thực hiện các giải pháp thiết thực, cấp bách để giảm nhanh số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng với con số lên đến 230.000 trẻ hàng năm.
UNICEF kêu gọi Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội có các chính sách và pháp luật hỗ trợ, bao gồm cả Luật khám bệnh chữa bệnh sắp được sửa đổi như công nhận suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một căn bệnh; Xác định các sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là thuốc; Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được bảo hiểm y tế chi trả. Bằng cách thực hiện những thay đổi chính sách, Việt Nam sẽ giảm đáng kể gánh nặng do bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng gây ra.
Thời gian qua, Việt Nam đã có những hành động cụ thể để đảm bảo tất cả trẻ em được sống, được phát triển tốt nhất, đồng thời Việt Nam đã, đang thực hiện tốt các nghĩa vụ theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em; nỗ lực đảm bảo đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết và phù hợp với Luật Trẻ em năm 2016.