Việt Nam và nỗ lực phòng chống lao động trẻ em

(VOV5) - Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường cũng đã tăng đáng kể, từ 43,6% lên 63% trong 10 năm qua.

Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm nay (12/6) có chủ đề “Hãy hành động vì cam kết chung: chấm dứt lao động trẻ em”. Tại Việt Nam, tỷ lệ lao động trẻ em (LĐTE) thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương và thấp hơn 4,2% so với toàn cầu.

Việt Nam và nỗ lực phòng chống lao động trẻ em      - ảnh 1Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: quochoi.vn

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 9,1% tổng số trẻ trong độ tuổi 5 - 17 của cả nước. 58,8% số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được xác định là lao động trẻ em. Trong số này, phần lớn trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến triển. Tỷ lệ lao động trẻ em giảm dần theo từng năm.

Việt Nam và nỗ lực phòng chống lao động trẻ em      - ảnh 2Niềm vui của những đứa trẻ vùng cao là được chạy nhảy vui chơi cùng bạn bè. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/ TTXVN

"Chúng ta hoàn toàn tuân thủ những khái niệm về lao động trẻ em theo các Công ước của Tổ chức lao động thế giới (ILO) và theo thông lệ quốc tế. Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam đã giảm và hiện nay thấp hơn 4% so với tỷ lệ chung của khu vực châu Á Thái Bình Dương." Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường cũng đã tăng đáng kể, từ 43,6% lên 63% trong 10 năm qua.

Để giảm thiểu lao động trẻ em, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật hoàn thiện khung pháp lý. Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Lao động 2019 đều có những quy định nghiêm ngặt về lao động trẻ em.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết và phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em và chống lao động trẻ em, như Công ước 138 và 182 của ILO.

Bên cạnh đó, các chương trình quốc gia như Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai để giảm thiểu tình trạng này, bao gồm các biện pháp hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và cải thiện điều kiện sống cho gia đình nghèo.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong của Liên minh liên minh toàn cầu nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức (liên minh 8.7). Hiện nay quốc tế đều đang hướng đến Việt Nam để lấy cảm hứng trong nỗ lực toàn cầu về phòng ngừa và nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em.

Việt Nam phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em trong độ tuổi 5-17 xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030. Bộ Lao động, thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Bộ cũng củng cố hệ thống cơ quan bảo vệ trẻ em nhằm phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em theo hướng tăng độ bao phủ, lấy trẻ em làm trung tâm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác