(VOV5) - Chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi luôn ghi nhớ, biết ơn những đóng góp, hy sinh to lớn của nhà Việt Nam học Grigory Mikhailovich Lokshin dành cho Việt Nam trong suốt những năm qua.
Sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, ngày 7/9 vừa qua, nhà Việt Nam học nổi tiếng người Nga, Phó Tiến sĩ Khoa học lịch sử Grigory Mikhailovich Lokshin, đã qua đời ở tuổi ở tuổi 84, để lại niềm tiếc thương vô hạn với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ người Việt Nam.
Vĩnh biệt nhà Việt Nam học nổi tiếng người Nga Grigory Mikhailovich Lokshin. Ảnh: sputniknews.vn |
Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử Grigory Mikhailovich Lokshin sinh ngày 1/4/1938, được biết đến là nhà Việt Nam học nổi tiếng, nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ông tốt nghiệp Đại học quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) năm 1961 và 3 năm sau bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ cũng tại trường này với đề tài “Phong trào giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam những năm 1954 - 1964”. Tại Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1961, ông tham gia tổ phiên dịch tiếng Việt trực tiếp đầu tiên của Liên Xô.
Trong quá trình nghiên cứu và làm việc, ông Grigory Lokshin đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp ngoại giao nhân dân liên quan đến Việt Nam. Giai đoạn 1965 - 1973, trên cương vị Tổng Thư ký Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam, ngay từ những ngày đầu Mỹ can thiệp vào Việt Nam, ông đã trực tiếp tham gia tổ chức các phong trào quần chúng đoàn kết với nhân dân Việt Nam ở Liên Xô và phối hợp với nhiều phong trào xã hội ở các nước tham gia đấu tranh chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Sau đó, trên cương vị Thư ký và Tổng thư ký Ủy ban bảo vệ Hòa bình Liên Xô, ông tiếp tục cuộc đấu tranh vì hòa bình trong giai đoạn 1973 - 1993. Từ năm 2007, dù tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt.
Ông Grigory Lokshin là một trong những tác giả các cuốn sách "Lịch sử cận đại Việt Nam" (1965), “Công chúng và các vấn đề chiến tranh và hòa bình" (1978), "Thế kỷ 20: Nhìn thẳng và Nhìn nghiêng” (2001). Năm 2007, ông trở thành nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, nay là Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Tại Lễ viếng được tổ chức trang trọng tại Bệnh viện Lâm sàng Yudin ở thủ đô Moscow ngày 12/9, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, ông Grigory Lokshin là nhà khoa học-Phương đông học nổi tiếng cả ở Nga và trên toàn thế giới, là một trong những chuyên gia lớn nhất về các vấn đề chính trị phát triển của Việt Nam hiện đại và Đông Nam-Á. Ông là một trong những người tổ chức phong trào quần chúng của nhân dân Liên xô đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Trong những năm chiến tranh, ông đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, là một trong những người có sáng kiến và tổ chức nhiều hội nghị chống chiến tranh, các diễn đàn xã hội quốc tế và các hình thức khác để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vì những đóng góp của mình, ông Grigory Lokshin đã được Nhà nước Việt Nam hai lần tặng Huân chương Hữu nghị và nhiều huy chương.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi luôn ghi nhớ, biết ơn những đóng góp, hy sinh to lớn của nhà Việt Nam học Grigory Mikhailovich Lokshin dành cho Việt Nam trong suốt những năm qua.