Đây là sáng kiến của anh Nguyễn Tuấn Khởi để nhằm hạn chế việc tụ tập đông người tại một điểm phát cơm. Những chiếc thùng cơm di động này mang lại hiệu quả trong việc phát cơm cho nhiều người dân lại vừa an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, từ 9 giờ sáng, bếp ăn trên đường số 2, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã bắt đầu nhộn nhịp. Các tình nguyện viên tất bật, cùng nhau nấu khoảng 1.500 phần cơm để gửi đến những người khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Vừa chế biến thức ăn, cô Huỳnh Thị Thắng (quê Phú Yên) vừa tâm sự: “Hồi trước tôi làm việc tại một nhà hàng ở quận Bình Thạnh, nhưng quán đã đóng cửa hơn 1 tháng nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện đang thất nghiệp nên tôi xin vào bếp này phụ giúp nấu ăn. Thời gian bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 14 giờ mỗi ngày, còn lại thời gian rảnh tôi đi lượm ve chai để bán đóng tiền thuê nhà”.
Là một trong những tình nguyện viên mới, anh Trang Thanh Hải (40 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi có đọc trên Facebook của một người bạn thì thấy anh Khởi có đăng bài cần tình nguyện viên để đi tặng cơm cho những người khó khăn nên tôi đăng ký tham gia. Hôm nay cũng ngày đầu tiên của tôi. Theo kế hoạch, tôi sẽ đi dọc các tuyến đường như Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Quang Trung (quận Gò Vấp) để giao hàng trăm suất ăn miễn phí cho người nghèo”.
Đến 11 giờ trưa, anh Hải cùng các tình nguyện viên bắt đầu nhận các phần cơm và cho vào thùng xe rồi lên đường. Các anh sẽ tỏa đi khắp các tuyến đường, bệnh viện để phát cơm cho người nghèo, người bán vé số, xe ôm…
Anh Khởi Tuấn Khởi, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận FoodBank Việt Nam (Foodbank) cho biết: “Mô hình "xe cơm di động miễn phí" tôi cũng đã triển khai một thời gian rồi. Để hạn chế tập trung đông người khi nhận cơm, tôi đã đẩy mạnh mô hình này với mong muốn mang những phần cơm miễn phí tỏa đi khắp nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, vừa giúp cho những người khó khăn vừa an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19”.
Cũng theo anh Khởi, hiện nhóm anh có 5 thùng cơm di dộng và mỗi ngày có khoảng 1.200 - 1.500 phần cơm cho những người nghèo, ve chai, bán vé số, xe ôm mưu sinh vỉa hè...
"Những bếp với số lượng lớn hơn, chúng tôi có xe ô tô chuyên chở đến các khu cách ly… Xe cơm di động này hoạt động không bao giờ ngưng. Bây giờ dịch, chúng tôi hoạt động cao điểm, không phải chỉ 5 thùng đâu, chúng tôi muốn lên 10 thùng, tỏa đi các nơi, các quận và nhiều điểm nữa. Khi hết dịch, chúng tôi vẫn không dừng lại”, anh Khởi nói.
“Hiện tại có gần 120 tình nguyện viên làm công tác tiếp nhận, phân phát thực phẩm và làm việc tại 5 bếp nấu của hệ thống FoodBank Việt Nam. Tình nguyện viên ban đầu họ là những cô, chú phụ giúp cho nhà hàng, những quán ăn... dịch này các cô chú không có công việc để làm; hoặc cô chú làm bảo vệ, ban đầu họ đến nhận cơm, sau đó họ trở thành tình nguyện viên. Thật ra họ làm tình nguyện viên không có lương nhưng FoodBank Việt Vam có hỗ trợ thực phẩm cho họ, hỗ trợ chi phí đi lại…”, anh Khởi chia sẻ.
Tin, bài: Mạnh Linh/Báo Tin tức