Mỹ không đứng ngoài cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

(VOV5) -Một trong những yếu tố thúc đẩy Mỹ chính thức thể hiện vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là chuyến thăm mới đây của Ngoại trưởng Nga tới Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab và Qatar. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải những tranh cãi giữa các quốc gia vùng Vịnh và Qatar và bày tỏ tin tưởng rằng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận hòa giải. Vì sao đến nay, sau hơn 3 tháng khủng hoảng xảy ra, Mỹ mới đưa ra đề xuất này trong khi trước đó chỉ đứng ngoài hối thúc các bên tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donal Trumph đưa ra trong cuộc họp báo chung với Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmad al-Jaber al-Sabah tại thủ đô Washington vào cuối tuần qua. Theo đó, Mỹ sẵn lòng trở thành nhà trung gian để đạt được một thỏa thuận hòa giải một cách nhanh nhất.

Mỹ không đứng ngoài cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh - ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Arab Saudi. Ảnh: Reuters 

Trong một động thái khác, người đứng đầu Nhà Trắng cũng đồng thời tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thái tử Arab Saudi, Thái tử Các Tiểu vương quốc Arab (UAEA) và Quốc vương Qatar. Nội dung các cuộc điện đàm này đều có chung thông điệp: Sự đoàn kết giữa các đối tác Arab của Mỹ là cần thiết để thúc đẩy ổn định khu vực và chống lại mối đe dọa từ Iran.

Khẳng định tầm ảnh hưởng ở khu vực

Cuộc khủng hoảng ngoại giao được xem là nghiêm trọng nhất tại Vùng Vịnh, giữa một bên là Qatar với một bên là những nước do Saudi Arabia dẫn đầu nổ ra hôm 5/6. Bốn quốc gia vùng Vịnh là Arab Saudi, UAE, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, phong tỏa các tuyến vận chuyển đường thủy, đường bộ và đường không nối với Qatar với cáo buộc quốc gia này ủng hộ Iran và các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Kể từ đó tới nay, nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Kuwait làm trung gian hòa giải song vẫn chưa đạt được kết quả. Việc Mỹ chính thức lên tiếng “tháo gỡ nút thắt” cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, giới phân tích cho rằng đây không phải là hành động ngẫu nhiên mà là những tính toán có chủ đích.

Lợi ích cốt lõi của Mỹ tại vùng Vịnh là duy trì luồng vận chuyển dầu mỏ tự do, ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố xuất phát từ khu vực nhằm vào Mỹ và các đồng minh châu Âu, ngăn Iran lập thế bá quyền ở khu vực. Đã từ lâu Washington luôn mong muốn thành lập một liên minh Arab dòng Sunni thống nhất nhằm kiềm tỏa Iran và chống chủ nghĩa khủng bố thánh chiến. Các căn cứ quân sự của Mỹ hiện cũng được đặt ở Qatar và Bahrain và Saudi Arabia là một đồng minh thân thiết của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Hơn tất cả, Mỹ muốn biến tất cả các quốc gia vùng Vịnh trở thành đồng minh trung thành với Washington. Do vậy, những tranh chấp, căng thẳng hiện nay có thể ảnh hưởng tới những lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, nước Mỹ đóng vai trò hết sức mờ nhạt trong giải quyết mâu thuẫn khi chỉ đưa ra những lời kêu gọi chung chung, hối thúc các bên kiềm chế tìm giải pháp đối thoại.

Những toan tính có chủ đích

 Một trong những yếu tố thúc đẩy Mỹ chính thức thể hiện vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là chuyến thăm mới đây của Ngoại trưởng Nga tới Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab và Qatar.

Mỹ không đứng ngoài cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh - ảnh 2Quốc vương Kuwait Sabah Al-Ahmad Al-Jaber al-Sabah. - Ảnh: Reuters. 

Trong các chuyến thăm này, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng hỗ trợ để đưa ra giải pháp có thể chấp nhận được đối với tất cả bên. Sự xuất hiện của Nga ở vùng Vịnh khiến Mỹ sốt ruột không thể đứng ngoài. Ngoài ra, việc Qatar dần dần phá được thế cô lập cũng khiến Mỹ phải sớm đẩy nhanh quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Tuần qua, Qatar đã tuyên bố sử dụng cảng biển Hamad thông thương với nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời giảm bớt áp lực từ lệnh phong tỏa của các quốc gia láng giềng. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cũng đang thảo luận việc sử dụng hệ thống đường bộ của Iran nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước này với Qatar. Khi quá trình này được hoàn thành, mối quan hệ giữa Doha và các quốc gia ngoài khu vực vùng Vịnh sẽ được mở rộng và việc “phong tỏa Qatar” của các quốc gia vùng Vịnh sẽ không còn tác dụng.

Thực tế, chưa bao giờ Mỹ “lơ là” vùng Vịnh và Trung Đông mà chỉ là có sự điều chỉnh chính sách ở từng giai đoạn. Với đề xuất làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh được cho là đúng thời điểm của chính quyền Tổng thống D.Trumph nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Nga, tăng cường vai trò ở Trung Đông. Tuy nhiên, kế hoạch hòa giải của ông Trump có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vùng Vịnh đang trong giai đoạn phải đối mặt với quá nhiều mâu thuẫn và xung đột và cho dù ẩn sau đó là nhiều tính toán lợi ích, sự can dự của Mỹ trong vai trò trung gian hòa giải vẫn được dư luận hoan nghênh với hy vọng sẽ sớm tạo ra những đột phá giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác