AMM 49 thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn cộng đồng 2025

(VOV5) - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các Hội nghị liên quan diễn ra trong 4 ngày từ ngày 23-26/7.


Với chương trình nghị sự trải rộng, AMM-49 tập trung bàn vấn đề hợp tác nội khối, xây dựng Cộng đồng cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là thúc đẩy triển khai thực hiện Tầm nhìn 2025 của cộng đồng, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Bài viết của Ánh Huyền “AMM-49 thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng 2025”.

AMM 49 thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn cộng đồng 2025 - ảnh 1



AMM-49 và các hội nghị liên quan là hoạt động quan trọng nhất của ASEAN trong năm của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác). Hội nghị AMM-49 và các Hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng và các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trở nên nghiêm trọng và trực diện hơn, đặc biệt là tình hình Biển Đông và hoạt động khủng bố. Trong khi đó, ASEAN vẫn đang trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN duy trì được các lập trường và tiếng nói chung có nguyên tắc.


Vì vậy, các Hội nghị lần này có chương trình nghị sự trải rộng trên mọi lĩnh vực hợp tác. Bên cạnh bàn các vấn đề hợp tác nội khối, kiểm điểm quan hệ giữa ASEAN và các nước trong thời gian qua và phương hướng thúc đẩy quan hệ thời gian tới, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, ASEAN tập trung thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAn 2025, nhằm chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển tiếp theo của Hiệp hội.


Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN là kết quả của sự đồng thuận


Tuyên bố về "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước" được thông qua cuối năm 2015. Tuyên bố ASEAN một lần nữa kiến tạo tương lai ASEAN qua bản lộ trình mới cho 10 năm tới, gồm Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

AMM 49 thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn cộng đồng 2025 - ảnh 2
Ảnh: VOV tại Lào


Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN, đồng thời đòi hỏi ASEAN cần chuẩn bị kỹ lưỡng để có những bước phát triển thực chất hơn trong tương lai, xứng đáng với tầm vóc mới của ASEAN. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực trải qua nhiều biến đổi sâu sắc, mở ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức gay gắt, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đã ra đời trên cơ sở đồng thuận, phản ánh nhu cầu, nguyện vọng, quan tâm của tất cả các nước thành viên, tạo điều kiện quan trọng cho sự phát triển vững vàng của Cộng đồng ASEAN.


Trong Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 này, ASEAN cam kết cùng nhau xây dựng ASEAN vào năm 2025 trở thành “một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”, “một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình”; “các nền kinh tế liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động” và “một ASEAN có năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới.


Hướng tới ASEAN 2025: Đề cao nguyên tắc đoàn kết nội khối


Trên cơ sở những định hướng chung này, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cụ thể hóa thành các định hướng theo đặc trưng của từng trụ cột, trong đó giai đoạn đầu tập trung vào thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh. Theo đó, Tầm nhìn về Cộng đồng Chính trị - An ninh vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng đoàn kết và tự cường, mang lại cho người dân một cuộc sống an bình trong môi trường hài hòa.


AMM 49 thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn cộng đồng 2025 - ảnh 3
Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị AMM-49. Ảnh: VOV tại Lào


Một đặc trưng nổi bật trong mục tiêu xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh là ASEAN vận hành theo luật lệ trên cơ sở tuân thủ triệt để các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử hòa bình giữa các quốc gia và thúc đẩy các giá trị như về dân chủ, pháp quyền, quản trị theo tinh thần thống nhất trong đa dạng. Bởi vậy, xây dựng một Cộng đồng ASEAN vận hành theo luật lệ sẽ tiếp tục là định hướng xuyên suốt của ASEAN trong 10 năm tới và những năm tiếp theo.


Trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang có nhiều diễn biến nhanh và phức tạp, đặc biệt là những thách thức an ninh trên Biển Đông thời gian gần đây, hơn lúc nào hết ASEAN nhận thức rõ của sự đoàn kết, thống nhất, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm, tiếng nói chung trong xử lý các vấn đề chiến lược. Bởi thành công của ASEAN cũng như thành công của mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực phụ thuộc rất nhiều vào mức độ đoàn kết của Cộng đồng. Bước vào giai đoạn phát triển mới, ASEAN đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa yếu tố luật lệ và mức độ ràng buộc về pháp lý trong các hoạt động của Cộng đồng để sợi dây liên kết giữa các nước thành viên được bền chặt hơn. Tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng ASEAN cũng có nhiều khác biệt về chế độ chính trị, trình độ phát triển. Bởi vậy, gắn kết chặt chẽ với nhau vì một sứ mệnh cao cả, đó là duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung ở khu vực, đòi hỏi ASEAN tiếp tục đoàn kết hơn nữa, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, mở rộng quan hệ đối ngoại. AMM-49 và các hội nghị liên quan được các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cũng tiếp tục hướng tới các mục tiêu này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác