(VOV5) - Các vụ binh sĩ Anh, Pháp bị tấn công bằng các vũ khí thô sơ liên tiếp xảy ra gần đây đang đặt an ninh các nước này trong tình trạng báo động. Tấn công nhằm trả đũa các chiến dịch chống khủng bố hay hệ quả của tư tưởng Hồi giáo cực đoan? Câu hỏi vẫn đang được các nhà chức trách khẩn trương tìm lời giải nhưng rõ ràng hành vi của những “con sói cực đoan đơn lẻ” khiến an ninh châu Âu chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thử thách mới trong thời gian tới
|
An ninh được thắt chặt tại thủ đô Manila, đặc biệt quanh Đại sứ quán Mỹ, sau khi phương Tây đồng loạt cảnh báo nguy cơ tấn công nhằm vào người nước ngoài. Ảnh: theo dantri.com.vn |
Vụ các phần tử Hồi giáo cực đoan chém chết một binh sĩ Anh tại London khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì vài ngày sau, tại Pháp, một binh sĩ khác cũng bị đâm trọng thương ngay giữa khu vực trung tâm mua sắm sầm uất gần trung tâm thủ đô Paris. Đáng chú ý cả 2 vụ việc đều xảy ra ở khu vực đông người qua lại và dường như kẻ thủ ác không hề có ý định giấu mặt mà trái lại, chúng còn nhởn nhơ tại hiện trường để yêu cầu những người qua đường chụp ảnh và quay phim. Những đoạn video về vụ việc được thu lượm từ hiện trường vụ tấn công ở Anh cho thấy một trong hai thủ phạm, tay cầm con dao vấy máu, nói trước camera: “Chúng tôi thề với Thánh A-la vĩ đại sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu với các người”. Tên này thậm chí còn đưa ra hàng loạt tuyên bố nhuốm màu chính trị, trong đó nói rằng, lý do duy nhất khiến chúng giết người đàn ông vô tội là để trả thù cho việc Chính phủ Anh tham gia chiến tranh chống lại người Hồi giáo, đồng thời kêu gọi người dân Anh lật đổ chính phủ. Rõ ràng là việc hai thủ phạm tấn công một binh sĩ quân đội Anh và những lời lẽ mang tính chính trị mà chúng đưa ra sau khi gây án là cơ sở để nhiều người tin rằng, đây không phải là một vụ án mạng thông thường. Tương tự như vụ tấn công ở Anh, mặc dù hết chưa có cơ sở để kết luận rằng có sự liên kết, nhưng nhìn vào cách thức mà kẻ tấn công thực hiện ở Pháp có thể thấy hai vụ tấn công có cùng động cơ. Đó là sự trả thù cho các chiến dịch của Anh và Pháp chống khủng bố. Với Anh là việc tham gia lực lượng liên quân bên cạnh Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq. Với Pháp là hàng loạt chiến dịch truy quét khủng bố gần đây tại Bắc Phi, mới nhất là sự can thiệp quân sự tại Mali. Nói cách khác, đây có thể là lời tuyên chiến của các tín đồ thánh chiến Hồi giáo với quân đội phương Tây do sự tham gia của họ trong cuộc chiến chống khủng bố ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi động cơ chi tiết của các vụ tấn công đang được khẩn trương làm rõ thì giới chức an ninh các nước này lại thêm đau đầu khi vụ việc đã châm lửa cho tình trạng thù địch chống lại người Hồi giáo.
Liệu các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ ở Anh, Pháp vừa qua có mang tính chất của một vụ tấn công thánh chiến Hồi giáo hay không? Cho đến nay, chưa có gì để chứng minh giả thiết trên là đúng. Tuy nhiên, xâu chuỗi một loạt các vụ tấn công khủng bố trong một tháng trở lại đây, từ Boston đến London và Paris, có thể thấy rõ rằng, những vụ tấn công trên đều do các “con sói cô độc”, tức những thành phần khủng bố hoạt động đơn lẻ, thực hiện. Đây chính là biểu hiện của một chủ trương thánh chiến Hồi giáo rất đáng lo ngại vì khó ngăn chặn. Theo một số chuyên gia chống khủng bố, các tài liệu, bài viết mang tư tưởng cực đoan ngày càng lan tràn trên mạng internet của một số chính phủ châu Âu, đã tạo thuận lợi cho việc phổ biến các giáo điều Hồi giáo cực đoan và nuôi dưỡng những “con sói cô độc”. Trong khi đó, cảnh sát và tình báo của Pháp, Anh hay Mỹ không có đủ phương tiện để nhận diện những thành phần nổi loạn này. Các cuộc tấn công khủng bố theo kiểu sói đơn độc ở Anh và Pháp càng khẳng định rằng chiến lược của bọn khủng bố và cực đoan dùng internet để phát động “thánh chiến” đang trở nên hết sức nguy hiểm. Theo một báo cáo của Cơ quan an ninh Hà Lan, hàng loạt diễn đàn mạng đang cổ súy cho các hành động cực đoan nhỏ lẻ như 2 vụ giết hại binh sỹ vừa qua. Từ năm 2010 tới nay, cảnh sát Anh đã đánh sập hơn 2.000 trang mạng chuyên xúi giục khủng bố. Anh cũng đã tung lên mạng nhiều thông điệp từ những người sống sót sau các vụ khủng bố kêu gọi chống lại các luận điệu của thánh chiến cũng như các tư tưởng cực đoan. Luật của Anh cũng đang được vận dụng để ngăn chặn những người có nguy cơ trở thành các phần tử cực đoan tiếp xúc với các lực lượng khủng bố. Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn “trào lưu cực đoan hóa” trong cộng đồng người Hồi giáo lại vấp phải sự tranh cãi chưa có hồi kết trong nội bộ chính quyền các nước phương Tây, giữa một bên là bảo lưu quan điểm tôn trọng quyền tự do ngôn luận và một bên là chiến lược chống khủng bố mạnh mẽ.
Hiện động cơ của cả 2 vụ tấn công ở Paris và London vẫn chưa được khẳng định có liên quan đến các tổ chức khủng bố hay không. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định nếu điều này được xác nhận thì đây sẽ là “ác mộng với ngành an ninh phương Tây”. Với phương thức hành động mới là “đơn giản hóa” các vụ tấn công, không cần đến vũ khí phức tạp, gây án riêng lẻ, quy mô nhỏ nhưng bất ngờ, các thủ phạm dường như đang cố gắng lan truyền tư tưởng cực đoan gây bất ổn chính trị xã hội. Giữa lúc phải vật lộn với khủng hoảng nợ công, châu Âu chắc chắn còn phải gồng mình lên để đối phó với bất ổn có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới./.