(VOV5) - Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Mỹ đều cho thấy bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang so kè nhau quyết liệt trên toàn quốc.
Chiến dịch vận động tranh cử của 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris và ông Donald Trump được tiến hành dồn dập cho đến những ngày cuối cùng trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra hôm 05/11. Diễn biến trên thực địa cho thấy những yếu tố khó lường nhất trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ nhiều thập kỷ qua.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, trên lá phiếu tại mỗi bang chiến địa, có ít nhất một ứng cử viên của đảng thứ ba hoặc ứng viên độc lập - Ảnh: Getty |
Vào thời điểm chỉ còn vài ngày trước cuộc bỏ phiếu chính thức, cả bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều đang tập trung nhiều nỗ lực vận động tại các bang chiến trường, được xem là nơi định đoạt chiến thắng, đặc biệt là tại Pennsylvania, Wisconsin và Nevada.
Nước rút gây tranh cãi
Giai đoạn tranh cử nước rút của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay nổi bật bởi những vụ việc gây nhiều tranh cãi. Về phía ông Donald Trump, những phát biểu bị xem là phân biệt chủng tộc của một số diễn giả khách mời nhằm vào các cử tri Puerto Rico và gốc Mỹ la-tinh trong cuộc mít-tinh vận động tranh cử hôm 27/10 tại New York đang gây ra lo ngại lớn cho đảng Cộng hoà, bởi sự cố này có thể xoay chuyển xu hướng bỏ phiếu đang có lợi cho đảng Cộng hoà hiện nay và giúp phe Dân chủ lấy lại sức bật như cách đây 2-3 tháng, khi bà Kamala Harris mới ra tranh cử thay cho Tổng thống Joe Biden. Trong khi đó, phe Dân chủ cũng phải xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến tình huống “lỡ lời” của Tổng thống Joe Biden, khi ông Biden dùng các từ ngữ bị cho là xúc phạm các cử tri ủng hộ ông Donald Trump. Những tranh cãi này khiến cho không khí những ngày cuối trước bầu cử trở nên căng thẳng và phần nào lấn át những mối quan tâm chính của cử tri Mỹ, đặc biệt khi chính ông Donald Trump và bà Kamala Harris cũng gia tăng công kích cá nhân.
Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu chính phủ Darrell West, thuộc Viện Brookings ở thủ đô Washington, nhận định: "Cuộc đối đầu giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris trong gần 5 tháng qua đã phần nào cho thấy rõ ưu thế của mỗi bên. Một trong những chủ đề chính trong cuộc bầu cử này mà đảng Cộng hòa có ưu thế là chính sách nhập cư. Người dân Mỹ lo lắng về biên giới, họ nghĩ là có quá nhiều người không giấy tờ đang tràn qua biên giới, rút cạn nguồn lực của nước Mỹ, lấy đi việc làm và dựa dẫm vào an sinh xã hội của Mỹ. Họ không thích điều này và đây là điểm cộng lớn cho ông Trump. Về phía phe Dân chủ, chủ đề về nạo phá thai và quyền sinh sản nói chung là chủ đề mà đảng Dân chủ nắm lợi thế, khi đa phần người Mỹ ủng hộ bà Kamala Harris trong vấn đề này”.
Những thanh sô cô la có in hình gương mặt của hai ứng cử viên tổng thống là bà Kamala Harris và ông Donald Trump được bày bán tại một cửa hàng ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters |
Liên quan đến chính sách kinh tế, mối bận tâm lớn nhất của cử tri Mỹ, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ đánh giá ông Donald Trump cao hơn về khả năng điều hành kinh tế, trong khi các cam kết kinh tế mà bà Kamala Harris được xem là chưa có điểm nhấn. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định về cơ bản thì chính sách kinh tế của 2 ƯCV có nhiều tương đồng hơn là các tranh cãi bề ngoài. Giáo sư Kinh tế Đại học Pace ở New York (Mỹ), Mark Weinstock, nhận xét: “Về rất nhiều khía cạnh, chính sách kinh tế của 2 ƯCV giống nhau hơn là mọi người hình dung. Phần phí tổn cho quân đội và ngân sách quốc phòng trong cả 2 kế hoạch là tương đồng. Cả 2 ƯCV đều là người theo chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ việc tăng thuế quan, khác nhau chỉ là ở mức độ nào mà thôi”.
Khoảng cách sít sao
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Mỹ đều cho thấy bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang so kè nhau quyết liệt trên toàn quốc và tại những bang chiến trường, với cách biệt giữa 2 ƯCV chỉ khoảng 1-2 điểm phần trăm, lúc nghiêng về bà Kamala Harris, khi ngả theo ông Donald Trump, tùy theo tính chất và phương pháp tiến hành mỗi cuộc thăm dò. Tuy nhiên, có 1 điểm thống nhất của hầu hết các cuộc thăm dò dư luận và phân tích cử tri là mức độ bất an gia tăng trong dư luận Mỹ về cuộc bầu cử. Theo kết quả thăm dò được hãng tin AP và Trung tâm nghiên cứu ý kiến dư luận quốc gia (NORC) thuộc Đại học Chicago tiến hành và công bố hôm 30/10, trong số hơn 1.200 người trưởng thành tại Mỹ được hỏi thì chỉ khoảng 30% cho biết hào hứng với cuộc chạy đua giữa 2 bà Kamala Harris và ông Donald Trump vào Nhà Trắng.
Theo Giáo sư Khoa học chính trị Kirby Goidel, Trường Quản trị và hành chính công Bush, thuộc Đại học A&M Texas, đây là điều có thể hiểu được trong bối cảnh nhiều biến động của nền chính trị Mỹ những năm gần đây: “Liệu mọi người có cần lo lắng về cuộc bầu cử này hay không? Chắc chắn là có. Đây sẽ là một bầu cử cực kỳ cạnh tranh. Các cuộc bầu cử năm 2016 và 2020 chỉ được quyết định bởi cách biệt dưới 100.000 phiếu cử tri. Chúng ta có thể bỏ số cử tri này vào trong một sân vận động, di chuyển quanh các bang và thay đổi kết quả của bất kỳ cuộc bầu cử nào nói trên. Vì thế, khi lần bầu cử năm nay có thể còn sít sao hơn nữa thì đúng là nên lo lắng vì cuộc bầu cử này”.
Ngay chính các thành viên của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng lo lắng hơn trước. Khoảng 80% số thành viên đảng Dân chủ được hỏi bày tỏ lo lắng, tăng nhẹ so với tỷ lệ khoảng 75% trong cuộc bầu cử trước, trong khi khoảng 65% các thành viên đảng Cộng hòa cũng có cảm giác này, tăng 5% so với hồi năm 2020. Những lo lắng này chủ yếu xoay quanh các tranh cãi có thể nảy sinh liên quan đến kết quả bầu cử cũng như tình trạng chia rẽ trong và sau bầu cử.