(VOV5) -Trung Quốc cũng đưa ra ý tưởng về BRICS mở rộng (BRICS+) để tăng số lượng thành viên của khối này.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi diễn ra từ ngày 3 đến 5/9 tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.
Khối BRICS gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi |
Với chủ đề “Tăng cường đối tác vì một tương lai tươi sáng”, Hội nghị nhằm truyền đi thông điệp mạnh mẽ tăng cường hợp tác nội khối, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định thế giới, giao lưu nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, những thách thức mà BRICS gần đây đang phải đối mặt như tranh chấp biên giới hay nội tình bất ổn ở một số quốc gia thành viên, khiến dư luận không khỏi hoài nghi: BRICS liệu có bị chệch hướng trên con đường thực hiện mục tiêu trở thành một đối trọng mới với phương Tây trong trật tự kinh tế thế giới?
Khái niệm “BRIC” lần đầu tiên được đưa ra năm 2001 gồm chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Tới năm 2010, BRIC đổi tên thành BRICS do có sự tham gia của Nam Phi.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2017 tại Hạ Môn, Trung Quốc |
Với đặc điểm chung là dân số đông (chiếm khoảng 42% dân số thế giới), diện tích rộng (chiếm khoảng 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu), tiềm lực quân sự hùng mạnh, kinh tế cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng khá cao, BRICS luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế và đến nay, BRICS chiếm khoảng 28% GDP toàn cầu. Thời gian qua, Nhóm BRICS đã trở thành đầu tàu, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính, có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế như G7 hay G20.
Những khó khăn hiện tại của BRICS
Tuy nhiên, trước những biến chuyển nhanh chóng của tình hình thế giới và trật tự thế giới đang có sự đảo chiều, cả 5 thành viên chủ chốt của BRICS đều đang đối mặt với thách thức. Nếu như Brazil đối mặt với khủng hảng kinh tế, chính trị, thì Nam Phi lún sâu vào suy thoái kinh tế. Tăng trưởng của Nam Phi chỉ ở mức 0,6% còn Brazil, sau 3 năm liền suy thoái, gần đây mới có dấu hiệu tạm thoát ra vòng xoáy khủng hoảng với 0,2% tăng trưởng. Về phần mình, mấy năm qua, Nga phải chật vật vượt qua các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh và hiện Nga đã không còn nằm trong danh sách top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 2 thành viên còn lại, Ấn Độ và Trung Quốc luôn đối đầu nhau về lợi ích và cạnh tranh về địa chính trị. Cuộc chạm trán mới đây giữa Trung Quốc-Ấn độ tại Doklam, phía Tây dãy Hymalaya, suýt nữa đã khiến Thủ tướng Án Độ Modi hủy lịch tham dự BRICS. Chỉ mấy ngày trước khi khai mạc BRICS, hai cường quốc châu Á này mới tháo được ngòi nổ của xung đột sau hơn 2 tháng căng thẳng.
Sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và những tham vọng địa chính trị ngày càng lớn của nước này khiến sự tin cậy chính trị giữa các nước suy giảm. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại đang nổi lên cũng là thách thức lớn cho BRICS trong quá trình tăng trưởng và phát triển.
Nỗ lực xóa tan nghi ngờ về sự gắn kết
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 9 tại Trung Quốc được xem là cơ hội để nhóm BRICS xóa đi những hoài nghi của dư luận khi cho rằng tổ chức này thiếu sự gắn kết và không còn phù hợp.
Trong phát biểu khai mạc với tư cách đại diện nước chủ nhà, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi phức tạp và sâu sắc hiện nay đòi hỏi các thành viên BRICS phải thúc đẩy hợp tác kinh tế thiết thực, thúc đẩy cải cách năng lực điều hành kinh tế thế giới. Các thành viên BRICS cần chứng tỏ sự tôn trọng lẫn nhau, tránh xung đột. Về hợp tác nội khối, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định con số trao đổi nội khối chiếm 5,7% trong tổng số 197 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào BRICS năm 2016 là còn quá ít và các quốc gia thành viên phải có trách nhiệm thúc đẩy hợp tác cho tương xứng với tiềm năng.
Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp 500 triệu NDT (76,4 triệu USD) cho kế hoạch hợp tác về kinh tế và công nghệ của nhóm BRICS, đồng thời đóng góp 4 triệu USD cho các dự án của Ngân hàng Phát triển Mới của nhóm BRICS (NDB). Trung Quốc cũng đưa ra ý tưởng về BRICS mở rộng (BRICS+) để tăng số lượng thành viên của khối này. Ý tưởng mở rộng BRICS có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ để lại, giúp BRICS có thể đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong thế giới đang phát triển
Là sáng kiến hình thành từ cách đây 16 năm, BRICS trên thực tế đã gây dựng được một tầm ảnh hưởng không nhỏ trong cộng đồng quốc tế. Trước các thách thức hiện nay, BRICS đang nỗ lực truyền đi thông điệp tích cực về tăng cường hợp tác thiết thực, đoàn kết nội khối, hướng tới mục tiêu “quản trị toàn cầu”.