(VOV5) - Nhận đủ sự ủng hộ của 31 quốc gia thành viên NATO, Thụy Điển không còn gặp bất cứ cản trở nào trong việc trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Ngày 26/02, Quốc hội Hungary chính thức phê chuẩn đơn xin gia nhập khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO của Thụy Điển, gỡ bỏ rào cản cuối cùng đối với quốc gia Bắc Âu. Theo các chuyên gia, với sự gia nhập sắp tới của Thụy Điển, NATO hoàn tất mảnh ghép cuối cùng và có thể theo đuổi các mục tiêu tham vọng hơn.
Với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary hôm 26/02 chính thức ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt những tranh cãi kéo dài từ tháng 5/2022. Đây là quốc gia thành viên cuối cùng của NATO phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển.
Mảnh ghép cuối cùng của NATO
Với việc đã nhận đủ sự ủng hộ của 31 quốc gia thành viên NATO, Thụy Điển không còn gặp bất cứ cản trở nào trong việc trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Các trình tự kết nạp Thụy Điển đã được khởi động và nhiều khả năng quốc gia Bắc Âu sẽ chính thức được kết nạp vào liên minh tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7 tại thủ đô Washington (Mỹ).
Đối với Thụy Điển, đây có thể xem là một sự kiện lịch sử bởi với việc gia nhập NATO, Thụy Điển chính thức từ bỏ chính sách trung lập và không liên kết quân sự duy trì trong suốt 2 thế kỷ. Theo Thủ tướng Thụy Điển, ông Ulf Kristersson, đây là một lựa chọn tự nhiên của quốc gia này trước những biến động địa chính trị hiện nay tại châu Âu: “Thụy Điển bỏ lại sau lưng 200 năm trung lập và không liên kết quân sự. Đây là một bước tiến lớn cần được thực hiện một cách nghiêm túc, nhưng cũng là một bước tiến hết sức tự nhiên. Trở thành thành viên NATO đồng nghĩa với việc Thụy Điển gia nhập một nhóm lớn các nền dân chủ hợp tác vì hòa bình và tự do, một sự hợp tác rất thành công”.
Việc Thụy Điển từ bỏ chính sách đối ngoại và an ninh truyền thống lâu đời để gia nhập NATO nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng và giới nghiên cứu nước này. Các cuộc thăm dò dư luận tại Thụy Điển cho thấy sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, khoảng 2/3 người dân Thụy Điển ủng hộ gia nhập NATO, cao hơn nhiều con số 20-30% ủng hộ trong giai đoạn từ 2014 đến trước tháng 2/2022. Theo chuyên gia phân tích cao cấp Robert Dalsjo của Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển, việc Thụy Điển gia nhập NATO là bước đi cuối cùng của quốc gia này trong việc từ bỏ dần các chính sách đối ngoại trước đây để hội nhập mạnh mẽ hơn trong một thế giới ngày càng biến động, đầu tiên là từ bỏ vị thế quốc gia trung lập sau Chiến tranh Lạnh, tiếp đến là gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và giờ là chuẩn bị gia nhập NATO.
Robert Dalsjo khẳng định việc NATO kết nạp Thụy Điển sẽ giúp nâng cao đáng kể sức mạnh của khối quân sự này bởi Thụy Điển có năng lực quốc phòng lớn mạnh, cả về không quân, hải quân lẫn kỹ năng tác chiến vùng Cực.
Vì thế, đây có thể xem là mảnh ghép lớn cuối cùng của NATO tại toàn bộ không gian an ninh châu Âu- Đại Tây Dương, kéo dài từ Bắc Âu xuống Nam Âu và tiệm cận cả những khu vực địa lý rộng lớn nhưng chưa được khai phá ở Bắc Cực: “NATO có được 1 thành viên nghiêm túc, có năng lực và qua đó loại bỏ được một yếu tố bất định tại Bắc Âu. Đây là mảnh ghép cuối cùng tạo nên vị thế cho NATO tại toàn bộ khu vực Bắc Cực và Baltic. Về phần mình, Thụy Điển được đảm bảo an ninh trong tập thể và được hỗ trợ bởi khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ”.
Một NATO tham vọng hơn?
Đối với khối quân sự NATO, việc chuẩn bị kết nạp Thụy Điển là một tin tức được chào đón. Các lãnh đạo NATO và các nước thành viên của khối, như: Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg; Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định sự kiện này là một chiến thắng cho NATO và là một “thất bại chiến lược” với Nga, quốc gia luôn phản đối các ý định mở rộng NATO tại châu Âu. Giới quan sát cho rằng việc liên tiếp kết nạp 2 thành viên mới có tiềm lực kinh tế-quân sự cao là Phần Lan (tháng 4 năm ngoái) và Thụy Điển mang lại sự tự tin đáng kể cho NATO và có thể khiến một số lãnh đạo khối này tiến hành các bước đi táo bạo hơn, trước hết là trong cuộc đối đầu địa chính trị - an ninh với Nga. Một trong những bước đi đó có thể là việc đẩy nhanh tiến trình kết nạp Ukraine vào NATO, ý tưởng cho đến nay vẫn khiến nhiều nước NATO e ngại. Tại Hội nghị an ninh Munich (MSC), vừa diễn ra (16-18/02) tại Munich (Đức), Tổng thống đắc cử của Phần Lan, Alexander Stubb cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO chỉ còn là vấn đề thời gian. Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cùng lãnh đạo một số nước (Ba Lan, 3 nước Baltic) cùng nhiều lần nêu quan điểm này.
Đáng chú ý hơn, tại Hội nghị quy tụ 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris (Pháp) hôm 26/02 để bàn việc ủng hộ Ukraine, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron thậm chí tuyên bố NATO không loại trừ kịch bản gửi quân trực tiếp đến Ukraine: “Tất cả đã được thảo luận một cách trực tiếp và tự do. Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về việc gửi quân đến Ukraine một cách chính thức, được đảm nhận trách nhiệm rõ ràng. Tuy nhiên, với động lực hiện nay, không thể loại trừ bất cứ điều gì”.
Theo các chuyên gia, bất chấp một số bất ổn nội bộ phơi bày trong quá trình phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển, đặc biệt là các tính toán lợi ích riêng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, với việc sắp kết nạp Thụy Điển (trước đó là Phần Lan), NATO sẽ hoàn tất đợt mở rộng thành viên có ý nghĩa chiến lược nhất từ sau Chiến tranh Lạnh, bởi khu vực Bắc Âu và vòng Bắc Cực từ nhiều năm qua vẫn bị xem là mắt xích yếu trong chiến lược phòng thủ của liên minh quân sự này. Bước ngoặt này có thể thúc đẩy các tham vọng mới của NATO, khiến cục diện an ninh tại châu Âu và trên thế giới trở nên khó lường hơn.