Đoàn kết các tôn giáo để phát huy các nguồn lực xây dựng đất nước

(VOV5) -Việt Nam có nhiều tôn giáo, dân tộc, cho nên việc đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là vấn đề lớn. 

Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đang xây dựng Đề án về tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam. Góp ý vào Đề án này, nhiều ý kiến cho rằng đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Bài viết của phóng viên Lại Hoa “ Đoàn kết các tôn giáo để phát huy các nguồn lực xây dựng đất nước”.

Đoàn kết các tôn giáo để phát huy các nguồn lực xây dựng đất nước - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo. Ảnh: TTXVN  

Việt Nam có nhiều tôn giáo, dân tộc, cho nên việc đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là vấn đề lớn. Đảng, Nhà nước đã từng bước xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Đoàn kết các tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Về Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay” mà  Bộ Chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đang xây dựng, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam, nêu ý kiến: “Các tôn giáo đều là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho nên có điều kiện gần gũi và cùng nhau tham gia sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tôi thấy sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của các ban ngành đoàn thể giúp cho tôn giáo nói chung, trong đó Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng. Chính quyền rất quan tâm tạo điều kiện, cơ sở tôn giáo được trùng tu, sửa chữa. Tuy nhiên cũng quan tâm đến vùng sâu vùng xa, bởi vì nơi đó thiếu thốn về đời sống tinh thần văn hóa.”

Chất lượng mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết- dân chủ- đồng thuận. Công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo theo yêu cầu nói trên cũng được đưa vào Đề án của Bộ Chính trị. Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: Một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng cường đoàn kết tôn giáo là thực hiện tiếp xúc, đối thoại giữa chính quyền, mặt trận với các chức sắc tôn giáo, người tu hành, đồng bào có đạo: “Tiếp xúc đối thoại coi như việc đặc trưng, hình thức để tiến hành công tác vận động, đoàn kết tôn giáo mà chủ đạo của tiếp xúc đối thoại này là sự thật lòng của chúng ta với tôn giáo. Chỉ khi nào thật lòng thì mới đem lại hiệu quả. Thật lòng ở đây nghĩa là tôn trọng lẫn nhau, học tập lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau. Kể cả bản thân tôn giáo với cán bộ Mặt trận và ngược lại cán bộ Mặt trận với tôn giáo”.

Mặt trận Tổ quốc là nòng cốt trong đoàn kết tôn giáo

Dự thảo Đề án của Bộ Chính trị còn đề cập toàn diện vấn đề vận động, đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam ở tất cả các cấp chính quyền, địa phương, cũng như việc nâng cao nhận thức cho lực lượng chức năng liên quan về vị trí, tầm quan trọng và mục tiêu, nhiệm vụ của công tác vận động, đoàn kết tôn giáo.

Đoàn kết các tôn giáo để phát huy các nguồn lực xây dựng đất nước - ảnh 2

"Mặt trận là cầu nối giữa các tôn giáo với Đảng, Nhà nước"

 

(Ảnh Đại đoàn kết)

Dự thảo Đề án nhấn mạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác vận động đồng bào tôn giáo, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở những địa bàn tập trung đông đồng bào có tôn giáo. Theo Đề án, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức quan trọng trong đoàn kết, vận động các tôn giáo.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn Lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, cho rằng: “Mặt trận phải thực hiện tốt, nhiều cách thức để làm cầu nối, trung gian cho cho đối thoại liên tôn giáo. Đây là cái chúng ta rất cần. Mặt trận phải là trung gian của đối thoại giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo. Mặt trận phải là hệ thống thích hợp cho thực hiện khách quan, thực hiện đúng phương châm của Mặt trận là đoàn kết, tạo sự thống nhất”.

 Vận động, đoàn kết các tôn giáo là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Qua đó, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân tộc, đồng bào các tôn giáo luôn gắn bó, đoàn kết, đồng hành với đồng bào cả nước, phấn đấu vì lợi ích chung của dân tộc, của cách mạng.

Đồng bào có đạo và các tổ chức chính trị xã hội, các ban ngành, địa phương thực hiện đoàn kết tôn giáo theo chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là không ngừng tăng cường, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác