Đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội trong năm 2012

(VOV5)- Hoạt động của Quốc hội khóa XIII trong năm 2012 đã để lại nhiều điểm nhấn, đặc biệt là trong công tác lập pháp. Hoạt động lập pháp của Quốc hội được thực hiện một cách hiệu quả với quyết tâm nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng các dự án luật được thông qua, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhất là phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.


Trong công tác lập pháp của Quốc hội năm 2012, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội tham gia thẩm tra và gửi ý kiến bằng văn bản đối với các đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh, các chính sách pháp luật dự kiến đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và hằng năm của Quốc hội theo lĩnh vực được phân công phụ trách. Trong đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các chủ thể trong các công đoạn của quy trình lập pháp và quy định các chế tài khi các chủ thể đó vi phạm. Ủy ban pháp luật chủ trì thẩm tra và giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; Hàng tháng có thông báo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh đã được phân công chủ trì thẩm tra gửi Uỷ ban pháp luật để tổng hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội trong năm 2012 - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (giữa) trao đổi cùng các đại biểu bên hành lang kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 13. Ảnh: THẾ DŨNG/ Người lao động



Cải tiến, đổi mới đáng kể nữa về hoạt động lập pháp của Quốc hội trong năm 2012 là trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học. Tăng thời gian thảo luận về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết tại Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.


Trong cả hai kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của năm 2012 này, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thông qua 22 dự án Luật, một khối lượng Luật khá lớn được thông qua so với các kỳ họp trước. Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về 12 dự án Luật khác, để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện thông qua tại các kỳ họp sau. Nội dung của các Luật được thông qua khá phong phú, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Thủ đô; Luật Biển Việt Nam; Bộ luật Lao động (sửa đổi)…  Tỷ lệ biểu quyết thông qua các Luật đều rất cao cho thấy chất lượng của các dự án Luật này.


Quốc hội thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, một văn bản pháp luật quan trọng hỗ trợ đắc lực hoạt động tư pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định:
Các luật này đã được xem xét một cách thận trọng, với tinh thần đổi mới, bảo đảm bám sát với thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.


Đặc biệt, năm 2012 trong chương trình làm việc, Quốc hội còn thông qua Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Qua đó góp phần đổi mới cách thức tổ chức công việc, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 cũng được thông qua.


Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau khi lấy ý kiến nhân dân, dự thảo sửa đổi Hiến pháp này sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2013. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh bản Hiến pháp mới sẽ giúp cho bộ máy hành chính Nhà nước hoạt động hiệu quả cao:
Sửa đổi Hiến pháp lần này để có một bản Hiến pháp khẳng định được mạnh mẽ ý chí, chủ quyền của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Hiến pháp sửa đổi phát huy đầy đủ và đề cao hơn nhân tố con người, khẳng định Nhà nước luôn tôn trọng bảo đảm quyền cơ bản con người.


Quốc hội đề ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 phải xây dựng được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, có tính ổn định, bao hàm tất cả các lĩnh vực, nhất là về chính trị, kinh tế-xã hội. Đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội trong năm 2012 đã góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa theo hướng bền vững, đồng thời bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác