Đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình

(VOV5) - Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao. 

Hiện tại, Việt Nam thuộc nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao năm 2045 là con đường gập ghềnh song cũng là động lực để người Việt đồng lòng thực hiện khát vọng thịnh vượng.

Đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình - ảnh 1Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. Ảnh: VOV

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt hơn 4.500 USD. Việt Nam cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, tạo ra các xung lực đủ mạnh nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới.

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Văn Đáng, Khoa quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao: "Phát biểu gần đây của lãnh đạo nhấn mạnh về kỷ nguyên mới. Thời gian tới là giai đoạn Việt Nam phải vươn mình, đưa đất nước vươn mình, tức là bứt phá vượt qua bẫy thu nhập trung bình để đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước phát triển trên thế giới. Để được công nhận là nước phát triển thì phải nâng GDP bình quân đầu người là vượt 12.500 USD/người/năm. Văn hóa xã hội tối thiểu phải cải thiện được các chỉ số phát triển con người (vượt 0.8), trong khi hiện tại chúng ta là trên 0.7. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của cả dân tộc cải thiện hẳn vị thế của quốc gia lên một tầm cao mới - đó là vị thế của một nước phát triển."

Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đều đặn trong 20 năm tới, cách làm, hướng đi trong bối cảnh hiện nay sẽ đóng vai trò quyết định cho thành công của mục tiêu trong tương lai.

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Văn Đáng, trong quá khứ, có những phương thức và biện pháp Việt Nam đã thành công. Nhưng không có nghĩa sẽ thành công trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, với tư cách là chủ thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và cầm quyền, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, đòi hỏi Đảng phải có những đổi mới về phương thức lãnh đạo, phải có những tư duy mới, cách thức mới, các biện pháp mới chuyển hóa thành động lực cho sự phát triển: "Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh về nhu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tức là chúng ta phải tiến hành đổi mới toàn diện, không chỉ phương thức lãnh đạo của Đảng mà cả cấu trúc, mô hình của hệ thống chính trị, hệ thống cơ quan Nhà nước, cũng như đổi mới trong việc tư duy, hoạch định và thực thi chính sách. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư chính là điểm tựa, là cơ sở để mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị có thể tư duy, xem những vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong cơ quan, đơn vị hay trong lĩnh vực của mình, qua đó đóng góp vào tiến trình phát triển chung của đất nước."

Chính sách kinh tế phải trở nên cạnh tranh hơn

Theo một số nghiên cứu, để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phải đạt bình quân 7%/năm  và duy trì trong nhiều năm. Việt Nam cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cải thiện thị trường yếu tố sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Kinh tế Việt Nam cần chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên “đầu vào” sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh vào vốn nhân lực, hiệu quả thị trường lao động và vốn, cạnh tranh và ứng dụng công nghệ. Việt Nam cũng cần cải thiện khung pháp lý, nâng cao phát triển nguồn nhân lực và củng cố Hệ thống Đổi mới Quốc gia.

Theo GS. Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản) trong khoảng một thập niên tới, việc mở rộng công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cải cách thể chế để phân bổ hiệu suất các nguồn lực sẽ giúp tăng năng suất. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.

Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao. Trong chặng đường sắp tới còn không ít khó khăn song sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, Việt Nam sẽ thay đổi vị thế của đất nước trong hơn hai thập kỷ tới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác