(VOV5) - Ngày 14/6, Ngân hàng thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 trong đó đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục tích cực.
Ngày 14/6, Ngân hàng thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 trong đó đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục tích cực. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra một số dự báo lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam, có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng.
Kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch
Báo cáo WB chỉ ra nhiều điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tại Việt Nam tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này tương đương tốc độ trước đại dịch. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức cao nhất trong 12 tháng qua. Sản xuất may mặc, giày da và máy vi tính, điện tử và sản phẩm quang học cũng duy trì tăng trưởng vững chắc. Các chỉ số di chuyển chính đã phục hồi hoàn toàn. Số lượt đến nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm và các điểm bán lẻ, giải trí khác đã đạt mức như trước đại dịch.
Ảnh minh họa. Báo chính phủ.vn |
Báo cáo của WB cũng chỉ ra, tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5.
Trước đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra những dự báo tương tự. Tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” diễn ra hồi tháng 5/2022, Trưởng đại diện IMF Việt Nam, ông Francois Painchaud khẳng định: "Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính và dự báo, tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.
Đặc biệt, việc ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội là kịp thời và phù hợp để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Kích thích tài khóa trong khuôn khổ chương trình này trong năm 2022-2023 giúp tăng cường phục hồi, chữa lành các tác động do đại dịch gây ra, giúp tăng trưởng bền vững và bao trùm."
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh: VOV |
Cuối tháng 5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là S&P (Global Ratings) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định”. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc. Đánh giá Triển vọng “Ổn định” cũng thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12 đến 24 tháng tiếp theo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.
Duy trì kiểm soát, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế
Trên thực tế, thời gian qua nhất là trong đại dịch COVID19, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa linh hoạt, hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua việc giảm, giãn thuế và phí, đồng thời tăng chi thường xuyên và chi đầu tư.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước duy trì thanh khoản, giảm lãi suất chính sách và đây là yếu tố cần thiết để giúp các ngân hàng vượt qua khủng hoảng một cách an toàn và ngăn thắt chặt tín dụng: "Ngay từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung tín dụng, hướng tín dụng vào những lĩnh vực trọng yếu, những lĩnh vực cần thiết có sự tập trung để khôi phục nhanh, khắc phục khó khăn doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế một cách nhanh nhất. Vì vậy tổng tín dụng của nền kinh tế đã tăng khoảng 7,75%. Còn so với thời điểm nay của năm 2021, tín dụng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái".
Điều đáng chú ý là tín dụng tăng dàn trải trên tất cả các lĩnh vực cần thiết, như nông nghiệp, công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ thương mại, lĩnh vực nhà hàng là những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch. Tất cả những chính sách đó cùng với chính sách hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên, khôi phục nền kinh tế đã đem đến những kết quả bước đầu trong 5 tháng vừa qua.
Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức, những kết quả đạt được bước đầu của những tháng đầu năm 2022 cho thấy các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Việt Nam đang đi đúng hướng, ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.