(VOV5) - Qua gần 3 tháng triển khai, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, thanh niên, công nhân. Những kết quả ban đầu của đợt lấy ý kiến đã thể hiện rõ quyền và vai trò làm chủ của nhân dân, huy động được trí tuệ sâu rộng trong toàn dân đối với vấn đề quốc gia đại sự này.
Trên phạm vi cả nước, qua gần 3 tháng triển khai (từ ngày 2/1 đến nay), việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thực sự tạo ra đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng. Qua thống kê bước đầu, các bộ, ngành, địa phương, hội, đoàn thể trong cả nước tổ chức được gần 30 nghìn cuộc họp, hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận gần 20 triệu lượt ý kiến góp ý về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Về tổng thể, số lượng lượt ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là rất lớn. Trong đó, bên cạnh số lượng lớn ý kiến tán thành, nhất trí các nội dung điều, khoản cụ thể của Dự thảo, nhân dân cũng đề xuất nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Có thể nói, toàn dân đã được nghe, hiểu những nội dung cơ bản của một bản Hiến pháp, hiểu về thể chế chính trị của đất nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, quan hệ giữa nhà nước với nhân dân.
Đánh giá về đợt góp ý của các bộ, ngành, địa phương do Chính phủ triển khai, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, cho biết:“Chúng ta đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Đặc biệt có nhiều ý kiến thiết thực, đáng trân trọng, đều muốn chung tay hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để xây dựng đất nước. Có thể nói việc lấy ý kiến đợt 1 này cơ bản chúng ta đã tổ chức thành công trên phạm vi cả nước”.
|
Không chỉ ghi nhận về số lượng, nhiều cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Văn Đương nhận xét nhiều cách làm hay được tổ chức như hình thành đội ngũ thuyết minh, in bản dự thảo, in bản so sánh, in phiếu đến từng hộ dân để đóng góp ý kiến và có đội ngũ để tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan. Có ý kiến đồng ý, không đồng ý, có ý kiến trái chiều nhưng có tính chất xây dựng thì đều được tổng hợp:“Số lượt người tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp ngày càng đông. Thành phố 10 triệu dân, dự kiến có 5-6 triệu. Hiện nay thành phố đang tích cực triển khai nhiều hình thức hơn nữa, cổ động tuyên truyền không chỉ là việc góp ý Hiến pháp mà đây còn là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để nhân dân thấy được bản chất dân chủ của xã hội ta, thấy được mục tiêu xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
Hiện nay, việc lấy ý kiến nhân dân vẫn đang tiếp tục được triển khai đến các chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên, tổ dân phố, thôn, xóm và đặc biệt là triển khai đến từng hộ gia đình. Ông Phạm Văn Cảnh, giáo dân Ninh Bình, nêu ý kiến: “Ngay trên địa bàn chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp, tổ chức cho mọi giáo dân tham gia góp ý sửa đổi dự thảo Hiến pháp. Bà con giáo dân rất vui mừng phấn khởi vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân. Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với những điều của bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi với nhiều nội dung như về quyền con người, về chế độ, về xã hội, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ kết thúc ngày 30/9/2013, trước khi Dự thảo được trình Quốc hội thông qua. Cho đến trước thời điểm này, ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân sẽ vẫn tiếp tục được tiếp nhận để xây dựng một bản Hiến pháp chất lượng./.