(VOV5) - Thượng đỉnh SCO năm nay có thể là khởi đầu cho một cấu trúc an ninh tập thể mới tại khu vực Á-Âu.
Diễn ra từ 03-04/07 tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm nay đặt trọng tâm thảo luận vào việc tăng cường kết nối thương mại nội khối, củng cố hợp tác năng lượng, an ninh và mở rộng thành viên trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng trên thế giới.
Cờ các nước tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AFP/TTXVN |
Thành lập năm 2001 tại Thượng Hải (Trung Quốc), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hiện có 9 thành viên, gồm: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan, Ấn Độ và Iran. SCO chiếm hơn 60% diện tích lục địa Á-Âu (Eurasia), gần 50% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.
Gia tăng kết nối
Trong vai trò Chủ tịch luân phiên SCO, từ đầu năm nay Kazakhstan đã tổ chức gần 180 sự kiện, tập trung vào các chủ đề tăng cường an ninh, ổn định tại các quốc gia thành viên và khu vực, đồng thời thúc đẩy các chiến lược dài hạn về kết nối thương mại, đầu tư, giao thông và năng lượng. Dựa trên lợi thế chung của nhiều quốc gia thành viên SCO là giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và năng lượng, Kazakhstan coi hợp tác năng lượng là ưu tiên hàng đầu để thảo luận tại Thượng đỉnh SCO năm nay. Tại cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia SCO tuần trước (26/06) tại thủ đô Astana, chính phủ Kazakhstan đã chính thức công bố bản “Chiến lược Phát triển Hợp tác năng lượng giữa các quốc gia SCO đến năm 2030” để nguyên thủ các quốc gia SCO ký phê chuẩn tại Thượng đỉnh lần này.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan, ông Almasadam Satkaliyev, bản chiến lược này là thành quả của 16 cuộc họp, thảo luận trong suốt 1 năm qua giữa các quốc gia thành viên SCO và khi được triển khai, bản chiến lược này sẽ giúp các quốc gia thành viên đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, đồng thời thu được các lợi ích lớn về kinh tế trong dài hạn. “Tài liệu này nêu ra một số phương hướng chiến lược cơ bản. Đầu tiên, đó là đảm bảo an ninh năm lượng, bao gồm việc xây dựng các dự án đầu tư quy mô lớn vào các lĩnh vực, như: sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển lưới điện quốc gia và liên hệ thống, xây dựng các đường dây truyền tải điện xuyên biên giới, xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng, đầu tư vào phát triển và sản xuất các nguồn năng lượng khác, gồm cả hydrocarbon” - ông Almasadam Satkaliyev nói.
Bên cạnh hợp tác, kết nối về năng lượng, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông (đường bộ và đường sắt), bến cảng, công nghệ cũng là những ưu tiên lớn khác được thảo luận tại Thượng đỉnh SCO năm nay, trong đó nổi bật là dự án Hành lang Trung tâm, hay còn gọi là Tuyến đường vận tải quốc tế liên biển Caspi (TITR), khởi đầu từ Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, chạy qua Kazakhstan, biển Caspi, Azerbaijan và kết thúc tại khu vực Nam Caucasus. Mới đây, Trung Quốc, Uzbekistan và Kyrgyzstan cũng đã ký thỏa thuận xây dựng hành lang đường sắt nối liền 3 quốc gia như một phần của sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI), nhằm kết nối tốt hơn các tuyến đường thương mại nội khối. Ngoài ra, trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức về biến đổi khí hậu và tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), các quốc gia SCO cũng đẩy mạnh các cơ chế hợp tác, quản lý bền vững về nguồn nước, gia tăng kết nối kinh tế số, từng bước đồng bộ hóa thương mại điện tử, hải quan điện tử... Đáng chú ý, SCO cũng đang tăng tốc kế hoạch xây dựng cấu trúc tài chính riêng, bao gồm cơ chế thanh toán và việc sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên SCO trong giao dịch thương mại nội khối.
Nâng cao vai trò an ninh
Dù khởi đầu là một tổ chức đặt nhiệm vụ trọng tâm vào việc củng cố đối thoại văn hóa và tăng cường hợp tác kinh tế tại khu vực Trung Á, nhưng với sự lớn mạnh của các quốc gia thành viên ban đầu và việc kết nạp thêm các thành viên mới, SCO đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng, trở thành 1 trong những tổ chức khu vực có vai trò quan trọng hàng đầu trên thế giới về kinh tế, năng lượng (dầu mỏ, khí đốt, uranium…), đồng thời ngày càng có tầm vóc mới về an ninh và địa chính trị. Sau khi kết nạp Iran trong năm ngoái, SCO dự kiến kết nạp Belarus làm thành viên thứ 10 tại Thượng đỉnh SCO năm nay, qua đó mở rộng phạm vi địa lý và tầm ảnh hưởng đến tận khu vực Đông Âu.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, hôm 25/06, cho biết: “Liên quan đến SCO, mọi việc đã được quyết định, mọi thỏa thuận đã được đảm bảo. Hành động đầu tiên tại Thượng đỉnh SCO ở Astana sẽ là việc chính thức kết nạp Belarus làm thành viên đầy đủ của SCO và sau đó Belarus tham dự hội nghị với tư cách ngang hàng với mọi quốc gia thành viên khác”.
Theo chuyên gia Maxim Kramarenko, người đứng đầu Trung tâm thông tin và phân tích của “Viện Chính sách Á-Âu” (Kazakhstan), Thượng đỉnh SCO năm nay có thể là khởi đầu cho một cấu trúc an ninh tập thể mới tại khu vực Á-Âu. Cụ thể, ngoài việc kết nạp Belarus, Thượng đỉnh SCO tại Astana cũng có thể là thời điểm công bố việc thành lập một trung tâm nhằm ứng phó với các thách thức và mối đe dọa an ninh mới. Trung tâm mới của SCO được xây dựng từ việc nâng cấp các nền tảng cơ bản của Cấu trúc chống khủng bố khu vực (RATS), cũng như các cơ chế đối thoại của SCO, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Hội nghị trao đổi về các biện pháp xây dựng niềm tin tại châu Á (CICA), 1 sáng kiến đối thoại an ninh do Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev, đưa ra năm 2022.
Mục tiêu của trung tâm mới này là bảo vệ chủ quyền của các nước thành viên SCO khỏi các tác động từ bên ngoài, trong bối cảnh xung đột và bất ổn địa chính trị trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Động thái này cũng phù hợp với các tuyên bố được ông Tokayev đưa ra trước đó rằng SCO cần phải đấu tranh tiêu diệt “3 lực lượng xấu”, gồm: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan và cần phải trở thành một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả hơn về mặt an ninh.