Triển vọng hợp tác kinh tế Mỹ -Trung nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trumph

(VOV5) - Kể từ sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, giới quan sát tin rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ có thêm nhiều biến động trong tương lai gần, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.


Quan hệ Mỹ-Trung hiện là mối quan hệ quan trọng nhất đối với cả hai nước cũng như trên diễn đàn thế giới. Đây là hai thực thể kinh tế lớn nhất và thứ hai thế giới, nhưng luôn ẩn chứa những mâu thuẫn và bất đồng do lợi ích của mỗi nước. Do đường lối, chủ trương, chính sách của đảng Cộng hòa khác với đảng Dân chủ nên các nhà phân tích, bình luận quốc tế đều cho rằng những sản phẩm về quan hệ đối ngoại dưới thời Tổng thống Barack Obama, trong đó có quan hệ Mỹ-Trung, sẽ có những điều chỉnh nhất định trong thời gian tới.


Những tồn tại trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung

Bên cạnh hàng loạt những tồn tại giữa hai nước như quan hệ nước lớn kiểu mới, chiến lược tái cân bằng Châu Á, trong đó Mỹ ra sức kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông, Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương, vấn đề Đài Loan..., thì một vấn đề nổi cộm trong quan hệ hợp tác hai nước hiện nay là sự mất cân bằng trong cán cân thương mại. Giá nhập khẩu giữa hai nước trong những năm gần đây có sự khác biệt lớn. Trong khi Mỹ áp thuế nhập khẩu là 2 - 3% thì thuế nhập khẩu của Trung Quốc là 3 - 9%. Theo quan điểm của Mỹ, mặc dù với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc thương mại của WTO dẫn đến bất lợi thương mại cho Mỹ. Tính đến thời điểm trước khi Obama rời khỏi Nhà trắng, quan hệ thương mại hai nước được đánh giá ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.

Triển vọng hợp tác kinh tế Mỹ -Trung nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trumph - ảnh 1
Cờ Mỹ và cờ Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC (ảnh minh họa). vov.vn



Chính vì vậy, ngay từ khi lên nhậm chức, ông Trumph đã có những phát biểu cứng rắn liên quan đến vấn đề này. Ngay trong ngày đầu tiên làm Tổng thống ông đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ để có biện pháp trừng phạt. Ông cho rằng đồng nhân dân tệ hiện bị định giá thấp khoảng 20-45% so với giá trị thực để hàng hóa Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Và vì thế, nếu Trung Quốc không sửa đổi lề lối ứng xử, ông sẽ cho áp thuế 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, ông Trump cho rằng một sai lầm lớn nhất của Mỹ trong hơn 100 năm qua là đồng ý để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Hơn 10 năm qua kể từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã "lấy" đi của Mỹ hơn 70.000 doanh nghiệp, do vậy Tân Tổng thống sẽ thi hành các biện pháp cứng rắn.


Thái độ gay gắt của ông Trump không phải là không có cơ sở. Trung Quốc ngày càng tỏ ra không còn thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng, một phần vì Bắc Kinh bắt đầu triển khai ồ ạt chiến lược thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty Trung Quốc, với sự tài trợ của nhà nước, đang triển khai hàng loạt vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài trong những lĩnh vực kinh tế mà Bắc Kinh xác định là “then chốt” trong chiến lược hiện đại hóa công nghiệp có tên là “Made in China 2025”, gây nên nhiều nỗi lo ngại trên chính trường Mỹ.


Triển vọng không mấy sáng sủa trong bức tranh kinh tế Mỹ-Trung


Có thể thấy, quan hệ Mỹ-Trung từ trước tới nay vẫn xoay quanh mô hình cơ bản là “Hợp tác có đấu tranh, Đấu tranh để Hợp tác”. Giới quan sát cho rằng mô hình này sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ ông Trump làm Tổng thống. Tuy nhiên, là một doanh nhân, chắc chắn ông Trump sẽ đặt ưu tiên cao hơn về các lợi ích kinh tế và tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng dưới chính quyền ông Trump nếu hai bên không sẵn sàng nhượng bộ và thương lượng. Tuy nhiên, để áp dụng được các biện pháp cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc cũng là bài toán khó mà ông Trumph cần cân nhắc. Lời đe dọa áp đặt thuế suất 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc không dễ thực hiện bởi trước hết nó có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, dẫn tới thiệt hại cho nhiều ngành công nghiệp Mỹ. Trên thực tế, Bắc Kinh từng cảnh báo về việc Trung Quốc sẽ hủy bỏ hợp đồng mua máy bay Boeing, cấm điện thoại iPhone, ngừng nhập khẩu bắp và đậu nành nếu ông Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nhưng vấn đề sâu xa hơn nằm ở chỗ, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ như hàng điện tử, dệt may... phần lớn là những thứ mà Mỹ không sản xuất nữa hoặc là hàng hóa do doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc. Việc áp thuế cao còn có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ.


Từ trước tới nay, Bắc Kinh luôn tỏ ra cứng rắn trước áp lực công khai từ bên ngoài, còn ông Trump luôn muốn chứng tỏ cho cử tri Mỹ rằng ông sẽ cứng rắn hơn người tiền nhiệm. Vậy nên quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung thời gian tới có thể sẽ trải qua những đợt thăng trầm đầy kịch tính và có thể ảnh hưởng không nhỏ tới tổng thể nền kinh tế toàn cầu.

Phản hồi

Các tin/bài khác