(VOV5) - Việc ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Tháng 10/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia ứng cử vào Hội đồng trong nhiệm kỳ này.
Toàn cảnh lễ khai mạc Khóa họp lần thứ 50 Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 13/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc lần thứ 2 ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Những nỗ lực của Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Việt Nam từng được bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ nhiệm kỳ 2014 - 2016. Kể từ đó cho đến nay, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực để bảo vệ quyền con người và cải thiện cuộc sống của người dân.
Tháng 2/2022, Việt Nam đã thông báo chính thức về việc ứng cử làm thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, với tư cách là đại diện của ASEAN. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia ASEAN tín nhiệm đề cử Việt Nam là đại diện cho mình tham gia Hội đồng nhân quyền LHQ. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, trong bối cảnh việc đi lại giữa các nước bị hạn chế, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo khi tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN để bàn cách phối hợp.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã thay mặt các nước phát triển phát biểu tại LHQ đề nghị các nước chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ giúp các quốc gia ứng phó với Covid-19 và tiếp cận vaccine công bằng. Về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, theo Giáo sư Carl Thayer, trường Đại học New South Wales (Australia), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực.
Việt Nam được xếp hạng thứ 51 trong tổng số 165 quốc gia đang nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững với số điểm nhận được là 72.8%.
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: VOV |
Giáo sư Carl Thayer, trường Đại học New South Wales (Australia) cho biết: "Việt Nam là quốc gia đang phát triển có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ vì vậy có thể cung cấp những lời khuyên thiết thực về chính sách trong các vấn đề phức tạp về nhân quyền khi được bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền của LHQ".
Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao tại Liên hợp quốc với việc cử cán bộ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên của Liên hợp quốc.
Sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế thể hiện qua việc các quốc gia lựa chọn Việt Nam là đại diện tại nhiều cơ chế đa phương như Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 cũng như hai lần Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ với nhiệm kỳ gần đây nhất là vào năm 2020 - 2021.
Trong các nhiệm kỳ ủy viên không thường trực, Việt Nam đã tập trung thành công trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực, tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình…Các thành viên Liên hợp quốc nhìn chung công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy đấu tranh vì độc lập dân tộc, chủ quyền và tự quyết.
Cam kết của Việt Nam
Trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, (tháng 3/2022), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam, phát biểu khẳng định Việt Nam luôn phấn đấu mang lại cho người dân nước mình cũng chính là những giá trị LHQ cam kết mang lại cho nhân loại. Việc lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển chính là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam. Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới; bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam được xếp hạng thứ 51 trong tổng số 165 quốc gia đang nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững với số điểm nhận được là 72.8%.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định mong muốn Việt Nam ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau - Đối thoại và hợp tác - Bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới; bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu".
Việc Việt Nam ứng cử là thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025 sẽ là cơ hội để Việt Nam đại diện cho các nước thành viên ASEAN nói lên tiếng nói và sự quan tâm của khu vực tới vấn đề nhân quyền cũng như cùng với các thành viên khác của hội đồng góp phần giải quyết những thách thức về nhân quyền mà thế giới đang phải đối mặt.