(VOV5) - Chiến lược đặt ra mục tiêu khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên biển và hải đảo, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh
Ngày 3/4, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển. Ảnh:baochinhphu.vn
|
Theo đó, chiến lược đặt ra mục tiêu khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên biển và hải đảo, để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực của Việt Nam được phát triển theo thứ tự ưu tiên, là: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng. Đồng thời, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển… Việt Nam cũng tăng cường điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển, hải đảo, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
Lực lượng Cảnh sát biển triển khai các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC
Chiều 3/4, trong chuyến thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Hà Nội), Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, cho biết sắp tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Vì vậy, lực lượng Cảnh sát biển cần phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương… sớm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng IUU gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển bền vững. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Cũng tại buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết lực lượng Cảnh sát biển luôn duy trì thường xuyên, liên tục các tàu trực tại các điểm, đảo; điều động, sử dụng hàng trăm lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển, đi được gần 300.000 hải lý bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các tàu Cảnh sát biển đã phát hiện, xua đuổi hàng nghìn lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Năm ngoái và quý I năm nay, lực lượng Cảnh sát biển đã cứu được 6 phương tiện, 71 người dân.
Khách du lịch tàu biển đến Việt Nam tăng mạnh
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết 3 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển tăng mạnh, với một loạt các tàu du lịch cập cảng Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh.... Đơn cử là siêu tàu du lịch Spectrum of the Seas đưa hơn 3.800 du khách quốc tế (trên hành trình du ngoạn Đông Nam Á) cập cảng Tân Cảng - Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vào cuối tháng 2. Đây là tàu du lịch quốc tế thứ 7 và là chuyến tàu chở nhiều du khách nhất, cập cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu năm nay đến nay. Đa số hành khách trên tàu đến từ Mỹ, Anh, Australia, Singapore. Ngoài du khách, tàu còn có 1.577 thuyền viên, nhân viên phục vụ đoàn.
Siêu tàu du lịch Spectrum of the Seas đưa khách du lịch cập cảng Tân Cảng - Cái Mép thuộc phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: TTXVN
|
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, du lịch biển, đảo là một ưu tiên. Những khu du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam, như: Hạ Long - Cát Bà (Quảng Ninh), Sơn Trà (Đà Nẵng) - Hội An (Quảng Nam), Nha Trang - Cam Ranh (Khánh Hòa), Phan Thiết - Mũi Né (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang)… đều được du khách quốc tế đánh giá ngang tầm với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á.
Lực lượng Hải quân tích cực hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên biển
Hôm 2/4, lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129 Hải quân, trụ sở đóng tại thành phố Vũng Tàu) đã sửa chữa thành công mỏ neo và bàn giao về tàu cá NT-90471 TS, để tiếp tục ra khơi hành trình khai thác hải sản.
Nhân viên kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Trường Sa hàn khắc phục hỏng neo cho tàu cá ngư dân. Ảnh:qdnd.vn
|
Trước đó, tàu cá NT-90471 TS do ông Huỳnh Văn Phong (tỉnh Ninh Thuận) làm thuyền trưởng, đang câu mực tại khu vực gần đảo Trường Sa (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thì gặp mưa dông. Tàu thả neo gần đảo bất ngờ neo bị gãy. Tàu đã vào Âu tàu đảo Trường Sa và được Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa sửa chữa.
Theo Hải đoàn 129 Hải quân, trong tháng 3 năm nay, Trung tâm đã hướng dẫn cho 164 lượt tàu cá vào Âu tàu của Trung tâm để neo đậu, hỗ trợ miễn phí 80.000 lít nước ngọt sử dụng, sửa chữa và khắc phục 4 lượt tàu cá; đồng thời, tặng 138 lá cờ Tổ quốc, phát gần 300 tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt đúng vùng biển chủ quyền, không vi phạm các quy định về chống đánh bắt hải sản trái phép.