(VOV5) - Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các loại hình du lịch này đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương, giới thiệu và lan tỏa các giá trị văn hóa, đồng thời giúp thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số Ninh Thuận.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Huyện Ninh Phước có đông đồng bào Chăm sinh sống. Huyện có lợi thế phát triển du lịch sinh thái với vườn nho Phước Thuận với diện tích 100 héc ta; đồng cừu thôn Hậu Sanh gắn với khám phá tháp Po Rome. Các mô hình du lịch của hộ dân, như gia đình ông Dương Tài Tin có điểm du lịch sinh thái Sen Araphat, ở khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Ông Dương Tài Tin tại cơ sở du lịch của mình. Ảnh: Đoàn Sĩ |
Ông Tin chia sẻ 10 năm trước, một số hộ dân ở đây chuyển đổi đất ruộng sang trồng sen lấy hạt, lấy ngó. Sau đó, nhiều người tìm đến tham quan, chụp ảnh với sen nên dần dà các gia đình, trong đó có gia đình ông, chuyển sang làm du lịch sinh thái: "Mình cứ trang trí trang trại mình. Khi khách đến mình phải đón, dẫn khách. Làm du lịch cần nhất là vệ sinh phải sạch sẽ. Có nhiều khách đến từ thành phố cũng góp ý là ở đây vệ sinh sạch sẽ, chỗ chụp hình lưu niệm cũng đẹp."
Trong khi đó, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, nằm trong vùng lõm của Vườn Quốc gia Phước Bình, khí hậu dịu mát, có nhiều vườn cây ăn trái tươi tốt. Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư thêm cho vườn cây để làm du lịch cộng đồng.
Anh K’tơ Chinh, người dân tộc Raglai, cho biết trước đây gia đình anh trồng cây bưởi, sầu riêng…chủ yếu bán cho thương lái là chính. Từ ngày địa phương tuyên truyền, vận động bà con trồng cây ăn trái kết hợp làm du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế, anh mạnh dạn đầu tư, xây dựng khu du lịch Tagu Galamping. Năm ngoái, khu du lịch đón trên 1.000 lượt khách: "Khu Tagu Glamping phục vụ cho khách đoàn đi trải nghiệm là chính, thưởng thức các món ăn của người Raglai, như: gà nướng, cơm lam, cá suối, thịt xiên cây, thịt heo hấp ống tre, nói chung những món đặc sản của địa phương. Qua đó cũng tạo công ăn việc làm cho một số hộ gia đình."
Ông Dương Tài Tin tại cơ sở du lịch của mình. Ảnh: Đoàn Sĩ |
Hiện, xã Phước Bình đã có trên 60 hộ đầu tư nhà sàn truyền thống của người Raglai gắn với vườn cây ăn trái để làm du lịch. Ông Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình, huyện Bác Ái, cho biết: "Địa phương xác định hai mũi nhọn, trồng cây ăn trái gắn với du lịch cộng đồng. Về tiềm năng để khai thác du lịch thì trên đây có các điểm, như: Bẫy đá Pi Năng Tắc, thác Cha-pót, trại cá tầm, trại bò tót ở Vườn Quốc gia Phước Bình."
Việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lich sinh thái tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ giúp bà con tăng thêm thu nhập mà còn thay đổi diện mạo buôn làng. Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết ngành du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ cho bà con phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ là tạo cảnh quan, làm bảng chỉ dẫn để cho khách đến biết đây là làng du lịch cộng đồng, hoặc mở rộng đường giao thông nông thôn. Hiện nay, địa phương cũng rất quan tâm, nên đường đi vào xã Phước Bình rất đẹp, thuận lợi, khách dễ đi hơn."
Để việc làm du lịch của bà con ngày càng chuyên nghiệp, thời gian tới, chính quyền các địa phương ở Ninh Thuận tiếp tục vận động người dân chung tay thực hiện; đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đào tạo nhân lực làm du lịch cho các tổ, nhóm cộng đồng.