Nghề đan mê bồ ở tỉnh Đồng Tháp

(VOV5) - Hiện nay, mê bồ đang được thị trường ưa chuộng, chủ yếu phục vụ công trình, dùng để phơi khô, phơi mứt mùa Tết… 

Đan mê bồ là nghề truyền thống đã có từ lâu đời của người dân xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trải qua bao thăng trầm, nghề này tưởng chừng như sắp mai một nhưng thời gian gần đây phát triển trở lại, những người còn bám nghề ai nấy cũng phấn khởi vì cuộc sống ổn định, cải thiện.

Nghề đan mê bồ ở tỉnh Đồng Tháp - ảnh 1Đan mê bồ tuy không khó nhưng mất thời gian bởi quy trình sản xuất khá công phu. Ảnh: vovgiaothong.vn

Nghe âm thanh tại đây: 

 Mê bồ là tên gọi của sản phẩm thủ công được làm từ cây tre, cây trúc hoặc cây nứa được người thợ chẻ ra thanh dài, và đan kết lại thành tấm lớn với kích thước được định sẵn. Với người dân miền Tây Nam Bộ thì mê bồ là sản phẩm rất đỗi quen thuộc. Mê bồ để chứa lúa của nhà nông, làm vách nhà, dùng vào việc lót tàu, xà lan, hoặc bán sang Campuchia cho bà con dự trữ lúa, hay sấy nhãn, sấy vải.

Làng nghề đan mê bồ Mỹ Trà hình thành cách đây hơn 100 năm. Đến xã Mỹ Trà và khóm Mỹ Thuận, phường Mỹ Phú, không khí lao động sản xuất của người dân đan mê bồ rất nhộn nhịp. Trung bình mỗi ngày một người làm được từ 8 đến 10 tấm mê bồ lớn nhỏ, tính công theo sản phẩm từ 10.000 - 15.000 đồng/tấm. Nhờ công việc này mà nhiều người lớn tuổi cũng có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Mơ, ở xã Mỹ Trà gần 80 tuổi đã có thâm niên 70 năm đan mê bồ, ông có 8 người con thì 7 người làm nghề đan mê bồ. Mặc dù theo thời gian, nghề có lúc mai một nhưng gia đình ông vẫn bám trụ cho đến nay: “Ở đây, mỗi người làm thêm nghề đan bồ. Làm tay thì không có dư nhiều mà nhờ làm máy mới có dư, ví dụ như hai vợ chồng tôi một ngày, trừ chi phí, kiếm được 100 ngàn đồng. Làm máy thì mình không tốn công.”

Đan mê bồ tuy không khó nhưng mất thời gian bởi quy trình sản xuất khá công phu. Để có tấm mê bồ bền, đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, được phân việc rõ ràng. Đàn ông có sức khỏe thì đảm nhận chẻ trúc, vót nan. Đàn bà thì đan bởi bàn tay khéo léo. Trúc mua về phải ngâm nước khoảng nửa ngày, rồi chẻ ra từng sợi nan, phơi khoảng một ngày để dễ chẻ ra thành các nan nhỏ. Đây là khâu khó nhất, nan chẻ từ phần vỏ bên ngoài được dùng đan mê bồ loại một, gọi là mê bồ cật hay là mê bồ da, giá cao hơn nan chẻ từ ruột có độ bền kém nên giá bán rẻ hơn. Trung bình một người đan mê bồ hiện nay có thu nhập từ 80 – 140 ngàn đồng/ngày.

Nghề đan mê bồ ở tỉnh Đồng Tháp - ảnh 2Trung bình một người đan mê bồ hiện nay có thu nhập từ 80 – 140 ngàn đồng/ngày. Ảnh: Lao động

Gia đình bà Lê Thị Phiên ở xã Mỹ Trà, trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, do chịu khó làm nhiều nghề và làm thêm nghề đan mê bồ nay thoát nghèo. Bà Lê Thị Phiên cho biết: “Từ thời cha mẹ tôi đã sống bằng nghề này. Tôi tiếp nối và làm, mỗi ngày lại thêm một đam mê. Khi lớn lên, có gia đình thì đi cắt lúa mướn, hết mùa lúa thì về mần bồ này làm. Mình làm có kinh nghiệm, người ta khen. Làm từ lâu nên loại nào cũng làm được.”

Trước đây, nghề đan mê bồ đã giúp nhiều gia đình trở nên khấm khá. Sản phẩm của bà con làm ra được tiêu thụ khá mạnh, chủ yếu dùng để làm bồ chứa lúa, làm vách, cửa nhà. Hiện nay, mê bồ đang được thị trường ưa chuộng trở lại, chủ yếu phục vụ công trình, dùng để phơi khô, phơi mứt mùa Tết… Người làm nghề cũng mua máy móc hỗ trợ, nên năng suất cao hơn trước. Đến nay, xã Mỹ Trà có hơn 170 hộ làm nghề đan mê bồ, và 20 hộ thuộc phường Mỹ Phú, thu hút hàng trăm lao động làm nghề đan mê bồ. Ông Võ Văn Thọ, người có thâm niên 30 năm trong nghề đan mê bồ, chia sẻ: “Nghề này làm nhiều có thể tạo nguồn vốn, là nghề chính. Sản phẩm làm ra bán chạy. Ví dụ như mặt đường chỗ nào bị hỏng thì người ta mua vài ba chục tấm rồi nhào đất vào để chữa vá đường.”

Năm 2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận làng nghề truyền thống mê bồ Mỹ Trà. Hiện nay, sản phẩm mê bồ ngày càng được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước, như các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và thị trường nước ngoài là Campuchia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác