(VOV5) - Theo các chuyên gia, xung đột, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 là những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng gia tăng lao động trẻ em.
Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhân Ngày thế giới chống lao động trẻ em (12/06), đánh giá những tiến bộ trong việc giảm lao động trẻ em trong 2 thập kỷ qua đang có xu hướng bị đảo ngược trong những năm gần đây. Theo các chuyên gia, xung đột, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 là những nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này.
Trẻ em tại Lilongwe, Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Theo ILO, nhờ những cam kết và nỗ lực quốc tế nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, trong giai đoạn 2000-2016 số lượng lao động trẻ em giảm 94 triệu. Tuy nhiên, với những tác động tiêu cực cao gấp 4 lần so cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi những thành quả đạt được trong vấn đề này. Theo ước tính của ILO, đại dịch COVID-19 đã khiến thêm gần 9 triệu trẻ em phải lao động. Ngoài ra, việc gia tăng các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, cùng các tác động ngày càng nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết cực đoan gắn liến với biến đổi khí hậu, như: bão lũ, hạn hán, đã đẩy thêm hàng triệu gia đình trên thế giới vào nghèo đói, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, từ đó khiến các trẻ em phải lao động nhiều hơn để hỗ trợ sinh kế cho gia đình. Cụ thể, theo ILO, hiện có khoảng 160 triệu trẻ em trên thế giới, chiếm 10% tổng số trẻ em trên toàn cầu, phải chịu sức ép mưu sinh. Châu Phi là khu vực có số lượng lao động trẻ em cao nhất thế giới là 92 triệu trẻ, và 80% số trẻ em này lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà Mia Seppo, trợ lý Tổng Giám đốc (TGĐ) ILO, cho biết:“Số lao động trẻ em trên thế giới đã tăng từ 152 triệu năm 2016 lên 160 triệu năm 2020, trong đó riêng châu Phi là 92 triệu, tăng đến 20 triệu chỉ trong 4 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 5 trẻ em châu Phi thì có 1 em bị đẩy vào cái bẫy lao động trẻ em”
Phó Tổng thư ký LHQ, bà Amina Mohammed. Nguồn: news24
|
Sau châu Phi là khu vực là châu Á-Thái Bình Dương, với 62 triệu trẻ, chiếm 7% số trẻ em của khu vực. Số liệu tương ứng của khu vực châu Mỹ, khu vực châu Âu và Trung Á, các nước Arab, lần lượt là 5,3%, 2,9% và 4,7%. Về tổng thể, cứ 10 lao động trẻ em trên thế giới thì có 9 trẻ ở châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương. Ở những nước nghèo nhất, số lao động trẻ em chiếm hơn 20% số trẻ, trong khi ở các nước kém phát triển nhất, hơn 25% số trẻ em (trong độ tuổi từ 5-17) phải làm các công việc được cho là có hại cho sức khỏe và sự phát triển. Chuyên gia Henrietta H.Fore, cựu Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và hiện là thành viên Hội đồng tín thác Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ), nhận định việc phải lao động khi còn ở độ tuổi đi học tạo ra rất nhiều rủi ro cho tương lai của các trẻ em này:“Gần 28% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và 35% trẻ em từ 12 đến 14 tuổi phải lao động và nghỉ học. Những trẻ em này phải đối mặt với các rủi ro và mối đe dọa lớn hơn nhiều, cả về thể chất lẫn tâm lý, so với các trẻ em khác. Ngay cả với những trẻ em vừa đi làm vừa đi học, viễn cảnh cũng rất ảm đạm khi nhiều khả năng bị tụt lại so với các bạn đồng lứa không phải làm việc, từ đó bị bỏ lại và bị hạn chế cơ hội và khả năng tìm kiếm thu nhập trong tương lai”.
Đối với cộng đồng quốc tế, thực trạng lao động trẻ em trên thế giới hiện nay là lời cảnh báo đối với khả năng đạt được mục tiêu 8.7 trong chương trình nghị sự Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs Agenda) của LHQ về việc xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025. Theo các chuyên gia, cột mốc 2025 gần như chắc chắn không thể đạt được và các quốc gia cũng phải quyết liệt đẩy mạnh các chính sách mới có thể kịp đạt được mục tiêu SDG này vào năm 2030. Phó Tổng thư ký LHQ, bà Amina Mohammed nhận định một trong những ưu tiên là cải thiện điều kiện kinh tế tại các khu vực nông thôn của các quốc gia:“Việc loại bỏ lao động trẻ em đòi hỏi phải có các biện pháp trên nhiều lĩnh vực và bao gồm cả khu vực tư nhân lẫn các chính quyền địa phương. Các điều kiện thị trường tại các nền kinh tế nông thôn là lực đẩy chính dẫn đến tình trạng hộ gia đình thu nhập thấp và lao động trẻ em. Do đó, nếu muốn đạt được các tiến bộ lớn, chúng ta cần bắt đầu từ lĩnh vực này”.
Theo giới quan sát, trên thực tế cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy việc thông qua được nhiều cam kết liên quan đến việc xóa bỏ lao động trẻ em, gần nhất là các cam kết đưa ra tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em, diễn ra ở Durban (Nam Phi) năm 2022. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải thực hiện các cam kết này, biến những thỏa thuận thành hành động. Đó là lí do ILO chọn chủ đề cho Ngày Thế giới chống lao động trẻ em năm nay là "Hãy hành động theo các cam kết của chúng ta: Chấm dứt lao động trẻ em!".
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng đã chỉ ra 2 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến lao động trẻ em, gồm: nguyên nhân bên trong (yếu tố gia đình) và nguyên nhân bên ngoài, là tác động từ điều kiện kinh tế, xã hội… trong đó, nguyên nhân bên ngoài đang ngày càng có tác động lớn hơn, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu trên thế giới. Theo số liệu của tổ chức nhân đạo Save the Children, tính đến cuối năm 2022, ít nhất 1,85 triệu trẻ em ở phía Nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi đã phải di dời nơi ở trong nước do thảm họa khí hậu, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Tại một số khu vực và quốc gia dễ tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động kiếm thêm thu nhập cho gia đình rất phổ biển, điển hình là báo cáo của UNICEF công bố tháng 8/2021 cho biết khủng hoảng khí hậu khiến khoảng 1,7 triệu trẻ em Bangladesh phải bỏ học, theo gia đình đi lao động. Vì thế, theo Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres, việc giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chính là 1 trong những biện pháp căn bản để xóa bỏ lao động trẻ em trên toàn cầu.