(VOV5) - Dự báo xuất khẩu rau, quả năm 2024 sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2023, kim ngạch dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 tỷ USD.
Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.
Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn xuất khẩu rau, quả do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, chiều 13/3.
Hoa quả Việt Nam được giới thiệu tại Fruit Logistica 2024. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN |
Bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung.
Riêng trái cây Việt Nam có chủng loại phóng phú, chất lượng cao; đáp ứng được các yêu cầu, thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng trên thế giới. Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia. Đặc biệt, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022.
Dự báo xuất khẩu rau, quả năm 2024 sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2023, kim ngạch dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 tỷ USD. Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến nhận định Việt Nam đang có nhiều lợi thế thúc đẩy xuất khẩu rau, hoa, quả. Ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn có hàng chục hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện để đàm phán mở cửa cho các sản phẩm rau, quả vào nhiều thị trường khác nhau. Để khai thác hiệu quả dư địa thị trường, các ngành hàng cần có phương án tổ chức sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn thương mại và chế biến - tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.