(VOV5) - Mặc dù đứng trước nhiều thách thức như giá vật tư đầu vào tăng cao, thiên tai, dịch bệnh, nhưng mục tiêu an ninh lương thực đã được Việt Nam xác định ngay từ đầu năm 2022.
10 tháng qua, sản xuất lương thực vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhờ vào sự thích ứng và chủ động của nông dân cũng như doanh nghiệp.
Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: VOV |
Tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt hơn 5 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021.
Dự kiến, 4 tháng còn lại của năm 2022, xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn. Nếu không có các yếu tố bất lợi mới, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay dự kiến sẽ đạt sản lượng 43 triệu tấn lúa, với số lượng này ngành nông nghiệp hoàn toàn đảm bảo cung ứng lương thực cho 98 triệu dân. Ngoài ra còn dư để xuất khẩu từ 6,5 triệu đến 6,7 triệu tấn gạo; dành cho chế biến 7,5 triệu tấn và đáp ứng nhu cầu chăn nuôi là 3,4 triệu tấn; đưa vào dự trữ là 3 triệu tấn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương cung cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch sản xuất tình hình sản xuất, cung cầu cũng như cân đối cung cầu giữa việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành và báo cáo cấp thẩm quyền để có những chính sách phù hợp".
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Các dự báo và thực tế biến đổi khí hậu toàn cầu những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, cần có những hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đặc biệt khi đại dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp.
Song song với đó, Việt Nam đưa kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp bằng cách thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.
Tại Hội nghị “Chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm Châu Á-Thái Bình Dương” diễn ra ngày 5/10/2022 tại Bangkok (Thái Lan), ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nhấn mạnh: Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Dự báo sản lượng thịt hơi của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt trên 7 triệu tấn; sản lượng thủy sản dự báo cả năm sẽ đạt khoảng 9 triệu tấn.
Hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng hoặc đạt sản lượng tăng cao so với các năm trước, như: hồ tiêu, điều, cà phê, chè, trái cây… vẫn duy trì và tăng lượng xuất khẩu, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, khu vực và thế giới.