Hội thảo Kiến trúc sư với môi trường sạch và ứng phó dịch bệnh là hội thảo trực tuyến chuyên ngành kiến trúc đầu tiên trên cả nước tổ chức với quy mô lớn với sự tham dự và theo dõi của hàng ngàn kiến trúc sư và người xem.
Tại hội thảo, các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đến các nhà phát triển công nghệ – vật liệu hoạt động trong lĩnh kiến trúc diễn giả ra đã đưa ra các vấn đề từ môi trường và biến đổi khí hậu, kiến trúc công cộng và cảnh quan sinh thái đến nhà ở, đặt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bàn về Các xu hướng kiến tạo không gian công cộng trên thế giới và những phản chiếu tại Việt nam, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng, hiện đang làm việc tại Australia khẳng định: Không gian công cộng có thể mang đến sự thay đổi của bộ mặt đô thị, tạo ra những không gian đáng sống nếu chúng ta biết khai thác, sử dụng hiệu quả.
Chị chia sẻ qua những ví dụ về các không gian công cộng trên thế giới, và kinh nghiệm với nhóm làm việc tại Việt Nam, như lần khảo sát cùng Mạng lưới đô thị đáng sống, thử nghiệm cải tạo một không gian công cộng tại khu dân cư nghèo tổ 16, phường Phúc Tân, ven sông Hồng, Hà Nội.
Nhóm nhạc với nhiều thành viên đến từ nhiều nước biểu diễn cho người dân nhân trong ngày khánh thành không gian công cộng tại tổ 16 phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào 27/3/2021. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
“Khởi xướng hoạt động này là mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, thực hiện cải tạo này là Think Playgrounds - đây là một doanh nghiệp xã hội đã cải tạo được hơn 100 công viên ở Hà Nội cũng như các tuyến phố của Việt Nam từ vật liệu tái chế. Đối tác là UBND quận Hoàn Kiếm rất ủng hộ, chỉ đạo xuống UBND phường để tạo điều kiện, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của tổ dân phố, nên dự án triển khai khá thuận lợi. Và tổng thời gian chỉ có hai tháng, trong đó 1 tháng thi công. Dự án chọn một không gian đúng là công cộng, không của ai. Trước đây, nó là nơi mọi người vứt rác, chỗ tụ tập của các chị phụ nữ bán hàng rong. Khi ý tưởng này được đưa ra, người dân thực sự rất thích, rất muốn được làm.
Dự án này sử dụng nguồn ngân sách rất khiêm tốn. Chúng tôi nhận được hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, còn khoảng gần 50 triệu chúng tôi huy động từ các cá nhân mỗi người 1 - 2 triệu và cùng những đóng góp không phải tiền bạc mà là công sức cũng như vật dụng của những đối tác khác như nhà thiết kế Diego Cortizas thuộc CHULA, Think Playgrounds... rất nhanh chóng có thể triển khai được dự án này.” – Chị Phạm Thúy Loan cho biết.
Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan khẳng định: Sứ mệnh của kiến trúc là để nuôi dưỡng con người, để chúng ta có một môi trường phát triển thể chất cũng như tâm hồn. Nếu sứ mệnh của một ngôi nhà là để nuôi dưỡng gia đình, và sứ mệnh của không gian công cộng chính là để nuôi dưỡng cộng đồng, nghĩa là không chỉ để làm đẹp mà phải là cầu nối mọi người với nhau
KTS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Đại học Xây dựng Hà Nội đã chia sẻ về cách mà kiến trúc cảnh quan thích ứng với biến đổi khí hậu và những bài học cho Việt Nam, đồng thời mang đến những nhìn nhận đúng về khái niệm kiến trúc cảnh quan: “Có những lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành hẹp được tích hợp vào trong quá trình nghiên cứu của kiến trúc cảnh quan như đô thị cảnh quan, trong đó hướng đến sự tích hợp đa chức năng các không gian mà chúng ta có thể khai thác và sử dụng.
Một chuyên ngành hẹp nữa là hạ tầng kỹ thuật, trong đó hướng đến loại hình hạ tầng cảnh quan có sự can thiệp của hệ thống sinh thái, đưa yếu tố thiên nhiên vào trong yếu tố hạ tầng kỹ thuật. Và có xu hướng chuyển hóa từ kỹ thuật cứng sang kỹ thuật mềm, ở đây là chuyển từ các loại hình bê tông sang những loại hình thân thiện môi trường thông qua những công nghệ và vật liệu. Từ đó có những xu hướng phát triển về mặt kiến trúc cảnh quan như sinh thái tự nhiên, trong đó hướng đến khai thác giá trị sinh vật bản địa những giá trị mà chúng ta thấy vốn dĩ nó tồn tại trong không gian tự nhiên trước khi có sự can thiệp của con người trong không gian đó.
Xu hướng thứ hai là sử dụng yếu tố cảnh quan, không chỉ còn chức năng đơn giản là yếu tố cảnh quan thiên nhiên cho con người hoạt động trong không gian ngoài nhà mà nó còn hướng đến những giá trị mang tính sản phẩm tạo ra những sản phẩm chúng ta có thể khai thác và sử dụng được và cái này nó giải quyết câu chuyện đa chức năng, vừa là không gian công cộng vừa là không gian sinh thái, nhưng đồng thời nó cũng giải quyết câu chuyện về an ninh lương thực, đặc biệt là trong nội đô với những khu vực chúng ta không còn không gian xanh nhiều.
Xu hướng. thứ ba là xu hướng cảnh quan phục hồi - loại hình cảnh quan khai thác những giá trị hiện hữu, nhằm đáp ứng điều kiện mới, thích ứng với nhu cầu của xã hội, thích ứng những nhu cầu về cuộc sống của cộng đồng cũng như sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có thể tác động đến chính không gian công cộng đó.
Xu hướng nữa là sử dụng các yếu tố công nghệ và vật liệu, những yếu tố về công nghệ mới. Tuy nhiên, đối với chuyên ngành kiến trúc cảnh quan thì chúng tôi lại hướng đến những loại hình vật liệu công nghệ thân thiện môi trường, thích ứng với điều kiện thay đổi của thời tiết để làm ra không gian phát triển bền vững hơn.” - KTS Phạm Anh Tuấn cho biết.
Từ góc nhìn tiếp cận kiến trúc sinh thái, hướng tới việc bảo vệ và tôn vinh những giá trị thiên nhiên của Việt Nam, với những kinh nghiệm gắn bó nhiều với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Nam Trung Bộ, KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vui đã đưa ra những ví dụ thực tế về các dự án mà KTS đã thực hiện ở Hero House Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận, nơi cần cải thiện việc bảo vệ rùa biển sinh đẻ.
Hero House do kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong (Công ty CP-KT-XD Nhà Vui, TP.HCM) thiết kế. Tổng diện tích xây dựng 101m2, nằm giữa và gác lên các phiến đá lớn. Vị trí này giúp ngôi nhà vừa đạt được sự hài hòa với thiên nhiên, vừa tránh được hướng gió mạnh Đông Bắc mỗi khi có bão, vừa không xâm hại đến khu vực bãi biển tự nhiên rùa thường lên đẻ - Ảnh: Vườn quốc gia Núi Chúa/Nguồn: Báo Tuổi trẻ |
“Hero House chỉ là một chương trình can thiệp đấy ý nhị nhẹ nhàng cùng một sự lãng mạn đối với công trình kiến trúc. Tuy nhiên, nó đứng ở ba chủ thể: Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, cư dân địa phương và các tổ chức tình nguyện - là đối tượng mới xuất hiện nhưng lại là tổ chức xã hội thu gom được các nguồn lực con người và vật chất, đem lại những nét mới để phát triển cùng với vườn quốc gia. Đặc biệt họ lôi kéo được người dân địa phương tham gia có ý thức, như thế họ sẽ không phá rùa, không bắt rùa, mà còn gọi điện báo cho Vườn quốc gia để cứu các con rùa ngư dân bắt được.
Tôi gọi đấy chính là là kiến trúc bền vững. Và sự tham gia của Hero House - một công trình nhẹ nhàng mà người ta coi đó là một điểm đến đến gặp nhau, giao lưu, chia sẻ, bảo vệ và yêu mến công trình này, và thúc đẩy bảo vệ thiên nhiên.
Vòng lặp thứ hai mà tôi nhận ra, chính là quá trình làm việc này có từ nhận thức xã hội. Nhiều nhóm cùng biết đến chuyện này, cùng tham gia tài trợ tiền bạc, vật lực và kết nối các tri thức, từ đó giáo dục thế hệ trẻ bao gồm thanh niên tình nguyện (các đối tượng thanh niên tình nguyện đến đây phải được đào tạo bài bản và từ 25 đến 40 tuổi); rồi các trẻ em địa phương, cư dân địa phương. Từ đó dẫn đến hành động cụ thể như bảo vệ môi trường: vớt rác ở bãi biển, bảo vệ rùa đẻ, thả thú về rừng….
Và sự lan tỏa vòng lặp này đang có phát sinh tích cực mà chúng tôi thấy rằng, kiến trúc ở đây thực ra có vai trò rất đơn giản, sơ khai, không có công trạng gì lớn, nhưng là điểm kết nối hài hòa để mọi người làm thân với nhau. Một kiến trúc sinh thái có thể đem lại một câu chuyện gì lớn hơn là một ngôi nhà dạng ca bin ở trên vách núi.”- KTS Nguyễn Thu Phong chia sẻ.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Trưởng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã mang đến một khái niệm mới về kiến trúc nhà ở – “Làng mới” – một quần thể, nơi tập trung sinh sống của nhiều hộ gia đình: Trong thực hành kiến trúc cố gắng tiếp biến một số cốt lõi của văn hóa làng, lối sống ở làng trong hoàn cảnh hiện đại của đô thị; tạo dựng được những không gian ở hấp dẫn về kiến trúc, đa dạng về cảnh quan, bảo vệ môi trường, phù hợp với đặc tính người dân khu vực đó:
“Bốn dự án của chúng tôi mỗi cái chúng tôi tiếp biến theo một cách. Thí dụ làm sao có thể nén, chất đống tinh thần của làng trong một không gian chật hẹp ở đô thị, gợi cảm giác ngoằn ngoèo khác nhau đa dạng trong một không gian trên cao nhưng không quá cao. Làng Mít thì kiến trúc với thiên nhiên bị lẫn đi, mất đi, nó là sự tiếp biến của của tán cây, của dòng chảy. Nhà công nhân thì tình làng nghĩa xóm quây lại. Những người công nhân lên Lào Cai từ tứ xứ về làm việc, thì họ vẫn phải cảm giác như là quê họ, để vơi nỗi nhớ quê hương. Còn làng Myanmar là tỷ lệ thân thiện với con người., rừng sồi rất dày nhưng không quá cao. Tất cả những chi tiết như tầng áp mái, cửa sổ, àng rào....chúng tôi làm nhỏ lại, xinh xắn.” - KTS Hoàng Thúc Hào cho biết.
Dự án Làng Mít tại làng Trầm Lăng, xã Đồng Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội - Ảnh: ashui.com |
Để có thể giải quyết các vấn đề về môi trường và dịch bệnh hiện nay, cần sự kết hợp của nhiều lĩnh vực. Chỉ riêng kiến trúc cũng có thể kể đến nhiều khía cạnh khác nhau như kiến trúc công cộng, cảnh quan sinh thái, và nhà ở. Những ý kiến trao đổi từ hội thảo, như TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, bày tỏ hy vọng sẽ “tạo cảm hứng, động lực, để các kiến trúc sư trên cả nước tạo ra những công trình kiến trúc mới, sáng tạo, đáp ứng được các yêu cầu mới của xã hội, góp phần tạo nên thành công cho nền kiến trúc trong tương lai.”