Tưng bừng Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm

(VOV5) - Đây cũng là dịp để đồng bào Chăm từ khắp mọi miền trở về quê cha đất tổ đoàn tụ cùng gia đình.

Sáng 2/10 (tức ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm), hàng ngàn đồng bào Chăm và du khách thập phương tập trung về khu tháp Po Klong Garai ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận và tháp Po Sah Inư ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận để tham dự Lễ hội Katê năm 2024. Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Balamôn. Đây cũng là dịp để đồng bào Chăm từ khắp mọi miền trở về quê cha đất tổ đoàn tụ cùng gia đình.

Tưng bừng Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm - ảnh 1 Đoàn kiệu rước y trang Po Klong Garai. Ảnh: VOV

Các vị chức sắc Chăm theo đạo Bàlamôn dẫn đầu đoàn kiệu rước y trang Po Klong Garai (vị vua có công lao to lớn với đồng bào Chăm) từ làng Phước Đồng xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước lên tháp Po Klong Garai. Theo sau đoàn kiệu là những cô gái Chăm múa quạt lễ duyên dáng, uyển chuyển theo nhịp trống Ginang, tiếng kèn Saranai. Trong khi các vị chức sắc làm lễ bên trong tháp, các gia đình không chỉ là người Chăm Bàlamôn mà nhiều gia đình Chăm theo Hồi giáo Bàni, cũng tổ chức bày lễ quanh tháp, thành kính tạ ơn trời đất, thần linh, các bậc tiền nhân.

Cùng với tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận, Lễ hội Katê sáng 2/10 cũng diễn ra ở tháp Po Sah Inư, tỉnh Bình Thuận. Sau khi lễ khai mạc Lễ hội Katê 2024, là nghi lễ nghinh rước y trang Nữ thần Po Sah Inư lên tháp chính. Ông Thông Kỳ, chức sắc Chăm ở thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, cho biết: "Hằng năm, Nhà nước tổ chức Lễ hội Katê của dân tộc mình tôi rất là vui mừng. Năm nay có thêm trưng bày hiện vật của vua chúa hồi xưa mà từ nhỏ tới giờ mình chưa thấy, năm nay mới trưng bày. Mình biết, rồi về phổ biến lại cho con cháu giữ lại văn hoá truyền thống của ông, cham để bà con người Chăm thờ phượng lâu dài."

Ngoài phần lễ theo nghi thức truyền thống, phần hội được các địa phương tổ chức  biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian, thể dục thể thao... Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bà La Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác