Độc đáo rối nước làng Đồng Ngư

(VOV5) - Phường rối nước Đồng Ngư đã đi biểu diễn khắp nơi, mang theo bản sắc quê hương đến mọi miền, quảng bá và lan tỏa dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với Phường rối Đồng Ngư. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, Đồng Ngư vẫn là một trong 14 phường rối dân gian trong cả nước còn hoạt động với nhiều tiết mục đặc sắc và phong phú, khẳng định sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Độc đáo rối nước làng Đồng Ngư - ảnh 1Đông đảo du khách thưởng thức biểu diễn rối nước Đồng Ngư trong không gian khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu - Ảnh: baobacninh.com.vn 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

 

Trải qua 10 thế kỷ tồn tại và phát triển, nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư vẫn là nét đẹp văn hóa, phản ánh chân thực đời sống nhân văn, giản dị của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Múa rối nước Đồng Ngư không chỉ độc đáo bởi những tích trò mà còn cuốn hút người xem bằng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, không làng múa rối nước nào có được.

Theo những người dân trong vùng, nghề múa rối nước xuất hiện vào khoảng cuối thời nhà Lý (1009-1225), nhưng chỉ thực sự được khôi phục vào năm 1958 do những nghệ nhân khôi phục và truyền dạy. Những năm đầu, phường rối Đồng Ngư chủ yếu phục bà con nhân dân trong các dịp lễ hội của làng và các địa phương lân cận với các tích trò như: Đốt pháo bật cờ; mời trầu; vào chùa; đánh đu; chăn trâu thổi sáo... Trong làng hiện còn lưu giữ bức tượng phủ sơn nâu, làm bằng gỗ mít, cũng chính là tượng Tổ trò của làng, người đã có công truyền dạy và phát triển nghệ thuật rối nước Đồng Ngư. Ông Nguyễn Đăng Dung, Phường rối nước Đồng Ngư, cho biết: “Tôi nghe các bậc cao niên kể lại từ thế kỷ 10-11, đất nước loạn lạc, chiến tranh, các tích trò cũng bị mai một đi. Sau đó đến năm 1954-1955, các cụ bô lão mới tìm lại những tích trò của cha ông. Đến năm 1985-1986, đất nước phát triển, kinh tế mở mang, thì các cụ họp nhau lại và cùng khôi phục các tích trò rối từ ngày xưa”.

Với mong muốn bảo tồn nét văn hóa của địa phương, phường rối nước Đồng Ngư ra đời bằng sự đóng góp tinh thần và vật chất của người dân địa phương. Trải qua gần 30 năm hoạt động, đến nay phường rối nước Đồng Ngư đi biểu diễn khắp nơi. Mỗi năm phường rối đi diễn khoảng 40-50 lượt, mang theo bản sắc quê hương đến mọi miền, quảng bá và lan tỏa dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sự kết hợp hài hòa giữa những điệu nhạc, câu quan họ và nghệ thuật truyền thần cho những con rối đã thể hiện được tâm tư, tình cảm của những người dân vùng Kinh Bắc. Ông Nguyễn Thành Lai, Trưởng phường rối nước Đồng Ngư, cho biết: “Thời gian ban đầu, khi phường rối Đồng Ngư được khôi phục lại gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhà thì góp một cây tre, nhà thì khúc gỗ; người biết tạo hình thì đục đẽo, người biết sơn thì quét sơn để cùng nhau tạo thành các con rối để đi biểu diễn”.

Độc đáo rối nước làng Đồng Ngư - ảnh 2Các nghệ nhân làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị con rối để biểu diễn - Ảnh: nhandan.com.vn

Các phường múa rối nước khác thường điều khiển con rối bằng gậy, bằng sào nhưng người Đồng Ngư múa kết hợp giữa sào và dây. Qua đó, con rối có thể đi ra xa buồng trò, biểu diễn được nhiều động tác và đến gần hơn với khán giả. Những con rối cũng được chế tác tinh xảo hơn, bộ phận máy phức tạp hơn để di chuyển linh hoạt, mềm mại, thậm chí con rối có thể leo trèo bằng cả tay và chân. Chất liệu của những con rối Đồng Ngư được làm bằng các loại gỗ nhẹ, có thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, sung...

Với mỗi phường rối, tích trò chính là cái hồn, cốt làm nên nét độc đáo, đặc sắc của mỗi vùng, mỗi phường. Cũng như các địa phương có múa rối nước, nghệ thuật rối nước Đồng Ngư điều khiển các con rối có những động tác giống con người làm ngôn ngữ biểu diễn trên nền nhạc như đang múa. Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, với sự tâm huyết của các thế hệ người làng Đồng Ngư, nghệ thuật rối của làng đang phát triển tốt, thể hiện qua lịch biểu diễn đều đặn của các phường rối nơi đây. Hơn 200 tích trò cổ, hơn 200 loại con rối đã được khôi phục.

Phường rối nước Đồng Ngư đã đi biểu diễn khắp nơi, mang theo bản sắc quê hương đến mọi miền, quảng bá và lan tỏa dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sự kết hợp hài hòa giữa những điệu nhạc, câu quan họ và nghệ thuật truyền thần cho những con rối đã thể hiện được tâm tư nguyện vọng của người dân lao động nói riêng, người dân Kinh Bắc nói chung. Nghệ nhân Dương Văn Giáo, thành viên lớn tuổi nhất trong phường rối nước Đồng Ngư, chia sẻ: “Muốn tạo hình một con rối phải nắm được con rối là chú Tễu hay là nhân vật nào là phải có kích thước, biểu cảm riêng. Tễu thì tươi cười, nhí nhảnh, còn những nhân vật hát quan họ thì chú trọng đến quần áo, màu sắc trang trí, cho đúng với người hát. Bên cạnh đó người thợ phái kiên trì, bền bỉ, khéo léo khi tạo con rối”.

Hiện nay, làng Đồng Ngư có hai phường múa rối nước dân gian là Đồng Ngư và Luy Lâu. Qua nhiều năm, bao thăng trầm, với sự nhiệt tình, tâm huyết của các nghệ nhân, nghề múa rối nước Đồng Ngư mới đi vào quy củ, chuyên nghiệp, thành đoàn, thành phường, để đem nét văn hóa truyền thống của vùng đất Kinh Bắc đến với nhiều vùng miền trong cả nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác