Chàng trai gánh nước thuê trở thành doanh nhân tiêu biểu của Tiền Giang

(VOV5) - Ông tâm huyết đồng hành cùng bà con liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, giải quyết đầu ra cho lúa hàng hóa.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK Châu Minh Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nhiều đời gắn bó với đồng ruộng. Hiểu những trăn trở, lo toan và thách thức của nông dân thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông tâm huyết đồng hành cùng bà con liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, giải quyết đầu ra cho lúa hàng hóa và xây dựng, nâng tầm thương hiệu gạo Việt tại Tiền Giang.

Chàng trai gánh nước thuê trở thành doanh nhân tiêu biểu của Tiền Giang - ảnh 1Ông Châu Minh Hải luôn sát cánh cùng nông dân, gắn bó với ruộng đồng. Ảnh: VOV

Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK của ông Châu Minh Hải đang hợp tác cùng nông dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang triển khai Chương trình liên kết cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.300ha/vụ. Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được cán bộ kỹ thuật của Công ty hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh, được cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán sau thu hoạch và không tính lãi. Trong ba năm qua, doanh nghiệp cung ứng khoảng 5.000 tấn phân bón các loại có trợ giá giúp bà con giảm chi phí đầu vào, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận. Để khuyến khích nông dân tham gia trồng lúa VD20 theo mô hình cánh đồng lớn, Công ty đầu tư trọn gói chi phí gồm: giống, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật dưới hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi. Đến vụ thu hoạch, Công ty còn hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ha. Ông Châu Minh Hải cho biết: 20 năm trước, người nông dân trồng lúa có rất ít lợi nhuận, từ đó, mình nhìn vào kỹ thuật, mình nghĩ phải làm gì cho nông dân. Bản thân tôi mong muốn khi nông dân phát triển, mình là doanh nghiệp cũng phát triển lên, có lợi cho cả hai bên. Từ đó, tôi quyết định đầu tư vào cây lúa. Qua 10 năm, tôi thấy mô hình đã khởi sáng. Quan trọng nhất là quy trình sản xuất, khi chúng ta có một quy trình sản xuất thì sẽ giảm bớt sự đầu tư không cần thiết.

Trồng lúa cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết với Công ty của ông Châu Minh Hải, nông dân có lãi ròng từ 50% đến 55% tổng thu mỗi vụ. Công ty đang hướng đến tạo vùng nguyên liệu chế biến gạo chất lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ... Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK còn kết hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây triển khai mô hình "Sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu" tại các xã: Đồng Thạnh, Bình Phú, Thạnh Trị, Yên Luông, Thành Công. Sản xuất theo mô hình, nông dân giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha, đồng thời tăng thêm lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài nhờ được bao tiêu với giá cao. Đặc biệt, mô hình còn giúp địa phương mở ra hướng liên kết doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị trên cây lúa đặc sản, tạo vùng nguyên liệu lúa sạch xuất khẩu vào những thị trường khó tính, khẳng định thương hiệu "gạo Gò Công". Ông Nguyễn Văn Tư, nguyên cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, chia sẻ:  Anh Hải rất tâm huyết. Đến thời điểm này, anh đã tham gia nhiều mô hình của nhà nước; tham gia với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang. Nhiều mô hình rất thành công, hiệu quả.

Chàng trai gánh nước thuê trở thành doanh nhân tiêu biểu của Tiền Giang - ảnh 2Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 cho ông Châu Minh Hải. Ảnh: VOV

Có vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, ông Châu Minh Hải tiếp tục liên kết các nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo trong khu vực, cho ra đời sản phẩm gạo cao cấp mang thương hiệu: “Gaochukeo - gạo đặc sản Tiền Giang”. Đây là sản phẩm đặc sắc từ nguồn giống kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân canh tác lâu nay mà ông Hải thực hiện với tất cả tâm huyết của mình. “Gaochukeo - gạo đặc sản Tiền Giang” được đánh giá là thành công mới của Giám đốc Châu Minh Hải trên con đường xây dựng thương hiệu gạo đặc sản địa phương trên tầm vóc quốc gia và quốc tế. Ông Châu Minh Hải chia sẻ: Tôi sẽ  nhân rộng hơn nữa mô hình này để có được sản phẩm gạo đặc thù, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi cũng tìm kiếm các doanh nghiệp nước ngoài cần những thương hiệu lúa đạt chuẩn để mình xuất khẩu. Khi xuất khẩu được thì giá thành lúa gạo sẽ tăng cao.

Nhờ những đóng góp xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tại Tiền Giang, thiết thực nâng cao trình độ canh tác và thu nhập cho nông dân, góp phần đổi mới nông nghiệp - nông thôn và xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương, ông Châu Minh Hải vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh giai đoạn 2017 - 2022, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2019 - 2022. Năm 2023, ông Hải vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là một trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc” của cả nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác